Bài viết is tijdelijk niet beschikbaar.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Thực trạng hư hỏng hệ thống đê, kè biển ở tỉnh ta

Font size : A- A A+

 Do đặc thù địa hình bờ biển tỉnh Quảng Bình chủ yếu là các đồi cát cao chạy dọc theo bờ biển, vì vậy tỉnh ta hầu như không có đê biển ngoại trừ tuyến đê Nhật Lệ - Bàu Tró đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phân cấp là đê biển, còn lại là các tuyến kè bảo vệ bờ biển tại các khu vực cửa sông. Các tuyến đê, kè biển tập trung tại 04 cửa sông gồm: Nhật Lệ, Dinh, Lý Hòa và sông Gianh. Do đặc điểm địa hình và dân cư trong khu vực, hiện nay các sông Nhật Lệ và sông Dinh đã được xây dựng kè bảo vệ bờ biển ở cả 2 phía bờ Bắc và Nam, sông Gianh và sông Lý Hòa hiện chỉ có kè bảo vệ bờ biển ở phía bờ Bắc. Tổng chiều dài các tuyến kè biển khoảng 6 km, tuyến đê biển Nhật Lệ - Bàu Tró kéo dài từ bờ biển thuộc phường Hải Thành đến chợ Đồng Hới dài 5km.

 Hầu hết các tuyến đê, kè biển tỉnh ta đều được xây dựng trong những năm gần đây với hình thức kiên cố bằng bê tông hoặc đá xây thép và chủ yếu thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Nâng cấp, củng cố đê biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Nam. Nhiều tuyến đê, kè biển vững chãi, kiên cố được đưa vào sử dụng không những chủ động trong công tác PCLB, ngăn mặn, ngăn triều cường, giảm nguy cơ sạt, vỡ đê do sóng khi có bão lớn và mực nước lớn hơn mực nước thiết kế, tạo điều kiện phát triển sản xuất, phát triển du lịch sinh thái, ổn định đời sống nhân dân vùng dự án; tạo tuyến đường kiểm tra cứu hộ, cứu nạn khi có mưa, bão kết hợp làm tuyến vành đai phục vụ, quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ cho tính mạng và tài sản của nhân dân địa phương.
Các công trình đê, kè biển là những công trình đứng ở tuyến đầu ngăn bão, triều cường, chịu tác động của các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phức tạp, khó lường và biến đổi không ngừng. Trong những năm gần đây, cùng với sự tác động của biến đổi khí hậu, các trận bão mạnh đã đổ bộ vào tỉnh ta ngày càng nhiều hơn đã gây nhiều hư hỏng cho các tuyến đê, kè biển trên địa bàn tỉnh. Năm 2017, cơn bão số 10 có tên Quốc tế là Doksury là cơn bão lịch sử có cường độ mạnh nhất từng đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình đã phá hủy, tàn phá nặng nề hệ thống đê, kè biển thuộc địa bàn thành phố Đồng Hới, huyện Bố Trạch và Quảng Trạch và Thị xã Ba Đồn. Nhiều đoạn tuyến vừa được nâng cấp, xây dựng trong thời gian gần đây cũng bị phá hủy trước sức mạnh của cơn bão số 10. Trong đó nặng nhất là tuyến đê, kè biển quan trọng, trực tiếp bảo vệ khu vực dân cư đã bị phá hủy rất nặng nề gồm: Kè Nhân Trạch có khoảng 70m kè bị phá hủy hoàn toàn phần thân kè (tấm lát bê tông gia cố mái, ống buy chân kè, cát đắp lõi kè) và đường giao thông bằng bê tông trên đỉnh kè; Kè Hải Trạch khoảng 200 kè bị hủy hoàn toàn phần thân kè (tấm lát bê tông gia cố mái, ống buy chân kè, cát đắp lõi kè) và đường giao thông bằng bê tông trên đỉnh kè; Kè Thanh Khê xã Thanh Trạch khoảng 100 kè bị hủy phần tấm lát bê tông gia cố mái và đường giao thông bằng bê tông trên đỉnh kè. Tuyến kè Mỹ Cảnh vừa được xây dựng kiên cố nhưng sau mùa mưa bão năm nay đã bắt đầu có hiện tượng xói vào đến chân kè, tuy hiện chưa gây nguy hiểm đến an toàn công trình tuy nhiên nếu xu hướng này tiếp diễn thì khả năng xảy ra sự cố đối với công trình trong các mùa mưa bão tiếp theo là rất lớn. Trước đó, vào các năm 2013 và 2016 gió bão lớn cũng đã là hư hỏng nặng tuyến kè biển Nhân Trạch và kè Hải Trạch.
Nguyên nhân gây ra các sự cố, hư hỏng cho các tuyến đê, kè biển trong những năm qua chủ yếu là do tác động của gió, bão và triều cường vượt tần suất thiết kế của các công trình. Các tuyến đê, kè biển được xây dựng hiện nay chỉ được thiết kế để chống bão với cấp 9, mực nước triều dâng tần suất 5% trong khi các cơn bão lớn đổ bộ vào tỉnh ta có cường độ rất lớn với sức gió giật lên đến cấp 12, 13 thậm chí cấp 14 với cơn bão số 10 năm 2017.
Bên cạnh đó, các yếu tố động lực học sông biển như gió, sóng, dòng chảy, chuyển động bùn cát đáy là rất phức tạp. Để thiết kế và xây dựng công trình bảo vệ bờ biển một cách hiệu quả cần khảo sát, đánh giá đầy đủ các yếu tố trên, tuy nhiên hiện nay chúng ta còn thiếu các nghiên cứu bài bản cũng như các cơ sở dữ liệu đầy đủ tại các cửa sông trên địa bàn tỉnh.
Kinh phí hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng hư hỏng, sự cố đê kè biển. Chi phí xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển rất lớn, và đòi hỏi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với nhiều hạng mục khác nhau mới đảm bảo phát huy hiệu quả và đảm bảo an toàn công trình. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí hạn hẹp, hiện nay chúng ta mới chỉ đầu tư xây dựng các công trình kè bảo vệ bờ theo từng đoạn tuyến nhất định, mà chưa thể đầu tư các hạng mục như đê phá sóng, hướng dòng... vì vậy dẫn đến tình trạng hư hỏng các công trình khi xảy ra bão và triều cường lớn.
Việc nạo vét, khai thác cát và hoạt động nạo hút cát thông luồng trên các sông cũng ảnh hưởng nhất định đến cân bằng bùn cát tại các khu vực cửa sông, đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến sự ổn định của các tuyến đê, kè biển.

 

Chi cục Thủy lợi

More