Bài viết is tijdelijk niet beschikbaar.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư: Gắn hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Font size : A- A A+

 Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, những năm qua Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư đã bám sát chiến lược của ngành và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Nhiều mô hình và các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng được đưa vào khảo nghiệm, tuyển chọn và nhân rộng góp phần nâng cao đời sống nông dân, tạo diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

 Xác định việc xây dựng các mô hình sản xuất mới, chuyển giao TBKT là một nhiệm vụ quan trọng của đơn vị, giúp hình thành và lan tỏa nhiều phương thức sản xuất mới, tạo đột phá cho ngành nông nghiệp. Năm 2016, đơn vị đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn đa dạng về các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng và hiệu quả; tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho hàng nghìn lượt người tham dự…
Trên lĩnh vực trồng trọt, Trung tâm đã Thực hiện 6 mô hình, trong đó có 02 mô hình sản xuất thử nghiệm 02 giống lúa mới năng suất, chất lượng cao (BT09 và N23), 02 giống ngô lai mới (Dk9955, CP501) và 04 mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các mô hình triển khai đảm bảo thời vụ, tiến độ, mục tiêu và yêu cầu đề ra. Cả 2 giống lúa sinh trưởng phát triển tốt, năng suất bình quân từ 62-65 tạ/ha, chịu thâm canh, thích hợp trên chân đất vàn chủ động tưới tiêu, chất lượng gạo khá, cơm ngon, dẻo. Đối với giống ngô DK9955 và CP501, sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao (70-80 tạ/ha) được bà con nông dân đánh giá cao và có khả năng nhân rộng trong thời gian tới.
Đối với mô hình chuyển giao TBKHKT, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu xanh ĐX 208 cho hiệu quả kinh tế cao gấp 8,2 lần so với lúa tái sinh. Sản xuất lúa gạo hữu cơ bằng biện pháp canh tác SRI, không sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học, tạo sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường, với chi phí sản xuất thấp, giá bán cao hơn (8.000 đ/kg) nên sản xuất cho lãi cao hơn so với đại trà 3.000.000 đồng/ha. Bên cạnh đó, việp áp dụng công nghệ tưới nước bằng công nghệ nhỏ giọt của ISRAEL trên cây cam Valenxia ở vùng đất cát xã Hồng Thuỷ được nông dân đánh giá rất hiệu quả, cam cho năng suất cao hơn 15-20% so với năm 2015 và đã có nhiều hộ mạnh dạn áp dụng trên các cây công nghiệp.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, đơn vị đã thực hiện 8 mô hình, bao gồm: Mô hình sử dụng đệm lót sinh học chống ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gà, mô hình chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ VA06 chăn nuôi bò, mô hình hỗ trợ giống bò Zebu và giống cỏ VA06, mô hình hỗ trợ giống bò lai và cỏ VA06 cho các hộ nghèo xã NTM để phát triển kinh tế hộ, mô hình hỗ trợ giống gà ri lai... Thông qua các mô hình đã giúp cho nhiều hộ nông dân khai thác tiềm năng đất đai, tiếp cận được khoa học kỹ thuật mới, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững, phát triển kinh tế hộ, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Lĩnh vực thủy sản cũng đã thực hiện 04 mô hình chuyển giao TBKT và 03 mô hình hỗ trợ đánh bắt thuỷ sản xa bờ. Trong đó, mô hình nuôi tôm TCT theo hướng ATSH bền vững được người dân đánh giá cao và có khả năng nhân rộng, sản phẩm đảm bảo VSATTP, môi trường ổn định, giảm được giá thành, sản lượng 3.500kg, năng suất đạt 12 tấn/ha, lãi ròng 68 triệu. Nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa, cá sinh trưởng, phát triển tốt, đạt mục tiêu yêu cầu, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế mặt nước hồ chứa...Bên cạnh đó, các mô hình hỗ trợ lưới vây, lưới rê, máy dò ngang khai thác thuỷ sản xa bờ đã phát huy được hiệu quả. Đặc biệt trong thời gian bị sự cố ô nhiễm môi trường biển gần bờ các tàu vẫn hoạt động bình thường với sản lượng bình quân tàu lưới Rê 10-15 tấn/tàu/chuyến, lưới vây 25-30 tấn/tàu/chuyến.
Hoạt động thông tin, tuyên truyền đã được đẩy mạnh trên các kênh thông tin khác nhau với vai trò tư vấn kỹ thuật của khuyến nông trên truyền hình, sóng phát thanh và trên báo viết thông qua việc giới thiệu hàng trăm mô hình áp dụng tiến bộ mới, hiệu quả, các tấm gương điển hình tiên tiến… Ngoài ra, đã xuất bản 12 số Bản tin Nông nghiệp & PTNT với 12.000 cuốn và thực hiện 12 chuyên mục bạn nhà nông trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, đăng tải 15 số trên trang nông nghiệp của Báo Quảng Bình... Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức thành công Diễn đàn @ chủ đề Phát triển bền vững nuôi tôm trên cát theo hướng an toàn dịch bệnh; tổ chức 07 đoàn nông dân tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình đạt hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, công tác đào tạo huấn luyện cũng đã được tích cực chuẩn bị với 26 lớp, đào tạo trên 1.738 người tham gia. Nội dung tập huấn tập trung vào chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nuôi trồng các giống, cây, con mới, các hình thức canh tác tiên tiến, phương pháp tập huấn ngày càng được đổi mới, phù hợp cho từng đối tượng tham gia đặc biệt là bà con ở các xã bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển; áp dụng phương pháp đào tạo lấy học viên làm trung tâm, gắn việc học với thực hành.
Xác định đổi mới công tác khuyến nông trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi toàn hệ thống cần phải nhận thức sâu sắc rằng khuyến nông là một mắt xích quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Do vậy, trong thời gian tới, cán bộ khuyến nông tiếp tục tăng cường kiến thức về khoa học công nghệ, kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn và kiến thức về quản lý kinh tế, nắm vững đường lối chính sách về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền. Triển khai các mô hình khuyến nông liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường thông tin sát với thị trường, tổ chức đào tạo xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm, giúp nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, tiếp cận được với các nguồn vốn, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp… Xây dựng hệ thống khuyến nông ngày càng năng động, hoàn thành tốt vai trò trợ giúp, phục vụ sản xuất và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
 


Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư

More