Bài viết jest tymczasowo niedostępny.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Tăng cường phòng trừ rầy hại lúa Đông Xuân

Font size : A- A A+

 Rầy nâu, rầy lưng trắng (rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và rầy non đều tập trung ở phần gốc thân cây lúa để hút nhựa ở thân cây lúa để lại trên thân, bẹ lá các vết màu nâu đậm cản trở sự luân chuyển nước và chất dinh dưỡng làm thân, lá bị khô héo. Nếu bị nặng thân lúa chuyển sang màu đen, cây lúa bị khô héo rồi chết. Nếu độ ẩm cao nấm bệnh xâm nhập vào các vết châm làm cây lúa bị thối nhũn và đổ rạp, bông lúa trổ bị lép nhiều. Mật độ cao gây ra hiện tượng cháy rầy. Rầy thường phát sinh gây hại nặng khi điều kiện khí hậu ấm nóng, ẩm độ cao, mưa nắng xen kẽ.

 Rầy phát sinh và gây hại trên cả 2 vụ Đông xuân và Hè thu, đặc biệt thường gây hại nặng ở những vùng ruộng các năm trước đây thường bị hại, lúa gieo cấy dày, bón nhiều đạm, trên các giống nhiễm. Trong vụ, các lứa rầy gối nhau tạo nên sự tích lũy về mật độ và dễ dàng bùng phát thành dịch vào giai đoạn lúa ôm đòng đến trổ - chín. Do đó bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên và liên tục từ đầu vụ đến cuối vụ. Điều tra phát hiện sớm các ổ rầy, theo dõi sự gia tăng mật độ để triển khai phòng trừ kịp thời khi rầy tuổi nhỏ, mật độ thấp, không để rầy bùng phát trên diện rộng.
Hiện nay, lúa Đông xuân trà đầu, trà chính vụ giai đoạn đẻ nhánh rộ, trà muộn bắt đầu đẻ nhánh, sinh trưởng phát triển tốt. Qua kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trên đồng ruộng, rầy lứa 2 đã phát sinh gây hại ở các huyện như Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Đồng Hới,…

Nông dân phun thuốc phòng trừ rầy


Để phòng trừ rầy có hiệu quả, ông Lê Văn Hai, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Đầu tư thâm canh cân đối ngay từ đầu vụ, bón đầy đủ lượng phân cần thiết như phân chuồng, đạm, lân, kali để cây lúa sinh trưởng phát triển khoẻ, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Thường xuyên điều tra đồng ruộng, phát hiện sớm để chủ động phòng trừ kịp thời, hạn chế thiệt hại do rầy gây ra.
Vào giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ, mật độ rầy trên 300 -500 con/m2 phải tổ chức phòng trừ triệt để ở giai đoạn này nhằm hạn chế hiện tượng bùng phát gây cháy ở thời kỳ lúa trổ - chín. Giai đoạn lúa làm đòng mật độ 2000 - 3000con/m2 chỉ đạo nông dân phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc 4 đúng. Sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ: Map Arrow 420WP, Chess 50WG, Victory 585EC.
Sử dụng đúng loại thuốc như hướng dẫn, nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo trên nhãn mác, bao bì của nhà sản xuất. Phun thuốc sát gốc lúa nơi rầy tập trung cư trú, phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để đạt hiệu quả cao.
Rầy dễ phát sinh thành dịch trên diện rộng và gây hại lớn đến năng suất, sản lượng lúa nếu công tác điều tra phát hiện chỉ đạo phòng trừ thiếu kịp thời. Để đảm bảo an toàn sản xuất, bà con nông dân phải tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm rầy nâu, rầy lưng trắng và triển khai phòng trừ có hiệu quả.


Đặng Thảo

 

More