Bài viết está temporariamente indisponível.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

HTX Mây tre đan Vân Sơn: Chung tay xây dựng và phát triển làng nghề nông thôn

Font size : A- A A+

 Những năm gần đây, việc phát triển ngành nghề nông thôn, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống luôn được người dân hưởng ứng tích cực. Dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có trên địa bàn, nhiều tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề thủ công, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Ông Lê Viết Sơn đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Mây tre đan Vân Sơn, nhằm chung tay, góp sức phát triển làng nghề nông thôn ở 2 huyện miền núi Tuyên Hóa và Minh Hóa.

 Từng làm cán bộ Lâm nghiệp nhiều năm về hưu, ông Lê Viết Sơn -Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Vân Sơn nắm rất rõ nguồn tài nguyên rừng của huyện Tuyên Hóa. Đặc biệt, trong hơn hai nhiệm kỳ làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Hóa, có dịp gần gũi, nắm tình hình sản xuất, đời sống và những khó khăn vướng mắc của người dân, hơn ai hết, ông thấu hiểu bà con nông dân nơi quê nghèo của mình đang khao khát việc làm, cần có người đứng ra khởi xướng, phát triển một nghề mới để giúp đỡ bà con vươn lên thoát nghèo.
Thế rồi suy nghĩ trong tâm khảm đã thôi thúc người cán bộ già này giám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư vào mô hình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan, chế biến nguyên liệu song mây, mua bán các sản phẩm mây tre và các loại lâm sản phụ khác. Hợp tác xã (HTX) Mây tren đan Vân Sơn ra đời xuất phát từ ý tưởng đó. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cùng với sự nỗ lực phấn đấu, tìm tòi học hỏi, hơn 10 năm qua, HTX Mây tren đan Vân Sơn xã Kim Hóa đã vượt qua khó khăn, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và quy mô nhà xưởng phục vụ sản xuất; từng bước tiếp cận cơ chế thị trường để đưa hoạt động sản xuất kinh doanh ngày một ổn định.
Để sản phẩm đảm bảo về số lượng, chất lượng và đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đã quan tâm đến phát triển các làng nghề. Bởi chỉ thông qua các làng nghề mới huy động được lực lượng lao động lớn trong cộng đồng tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho cơ sở. Từ đó, hàng năm ông Lê Viết Sơn đã mời nghệ nhân và thợ giỏi từ các làng nghề truyền thống có tiếng tăm trong nước, như ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và thành phố Huế về tập huấn kỹ thuật sản xuất chế biến nguyên liệu và nâng cao tay nghề đan xiên cho lao động hợp tác xã và dạy nghề cho người dân các xã khác trên địa bàn các huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa. Mặt khác, phối hợp với Viện Công nghiệp rừng (thuộc bộ NN&PTNT), Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện tập huấn nâng cao kỹ thuật đan lát thủ công (ĐLTC) và sấy nguyên liệu song mây cho người lao động. HTX còn phối hợp với Trung tâm giáo dục dạy nghề (TTGDDN) huyện Tuyên Hóa đào tạo 6 lớp ĐLTC tại các xã Đức Hóa, Đồng Hóa, Nam Hóa, Kim Hóa, thời gian 3 tháng cho 236 học viên, trong đó có 60% học viên thuộc đối tượng hộ nghèo. Kết hợp với TTGDDN huyện Minh Hóa mở 2 lớp ĐLTC cho các xã Hóa Thanh và Trọng Hóa thời gian 3 tháng với 60 học viên là đối tượng hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Các học viên sau khi học nghề làm ra sản phẩm đến đâu được HTX bao tiêu đến đó với giá thỏa thuận.
Theo ông Lê Viết Sơn, ngoài thu mua, chế biến và tiêu thụ các loại nguyên liệu như mây tắt, tấm lợp bằng thân cây vọt, ruột mây nước, trong 5 năm gần đây HTX đã sản xuất, thu mua, tiêu thụ 10.850 sản phẩm mây tre đan tại thị trường trong và ngoài tỉnh; giá mỗi sản phẩm từ 150.000-180.000 đồng với tổng doanh thu 1,86 tỷ đồng; trong đó chủ yếu là sản phẩm dùng làm quà lưu niệm. Nhờ đó, đã tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động của HTX với mức thu nhập 2,5-3 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động đan xiên ở các làng nghề đã được đào tạo. Sản xuất đảm bảo môi trường và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, trích nộp đầy đủ các quỹ và các khoản đóng góp cho đoàn thể địa phương; làm được 200 mét đường phối cấp, trị giá 70 triệu đồng…
Từ những kết quả đã đạt được, ông Sơn và HTX Vân Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, Hội Nông dân tỉnh, Sở Công Thương, UBND huyện và UBND xã tặng giấy khen; được Trung ương Hội ND Việt nam tặng Kỷ niệm chương Vì giai cấp Nông dân Việt Nam. Nhờ sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, đời sống người lao động và gia đình ông được cải thiện đáng kể.
Có thể nói, những gì ông Lê Viết Sơn cùng HTX Mây tre đan Vân Sơn xã Kim Hóa đã làm được còn khiêm tốn so với tiềm năng về tài nguyên rừng và nguồn lao động dồi dào của địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng được một cơ sở đầu mối sản xuất, chế biến gắn với thị trường và phối hợp đào tạo hàng trăm lao động có tay nghề ĐLTC ở 6 xã của 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa có ý nghĩa rất lớn trong việc chung tay phát triển làng nghề nông thôn. Nếu được phát huy đúng mức thì đây là một động lực lớn góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững và thúc đẩy thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.


Đặng Thanh Sơn
Đài PT-TH Quảng Bình

More