Bài viết, geçici olarak kullanılamıyor.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Tăng cường công tác cập nhật diễn biến rừng

Font size : A- A A+
 Theo dõi diễn biến rừng là hoạt động hiệu quả nhằm xây dựng các dự án phát triển lâm nghiệp và chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô và định hướng về tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh. Hiện tỉnh Quảng Bình có 542.409ha rừng, bao gồm 469.613 ha rừng tự nhiên và 72.796 ha rừng trồng đã thành rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 67,8%, xếp thứ 2 toàn quốc. Để đảm bảo công tác cập nhật theo dõi diễn biến rừng được triển khai theo đúng quy định, phản ảnh kịp thời, chính xác, khách quan, minh bạch biến động rừng trên thực địa và trong hồ sơ quản lý rừng, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai có hiệu quả công tác cập nhật diễn biến rừng gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng tại gốc, kịp thời phát hiện các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để tham mưu chính quyền địa phương xử lý theo quy định.

 Phát huy những kết quả đạt được về ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên rừng của năm 2018, 2019, trong 06 tháng đầu năm 2020, Chi cục tiếp tục chỉ đạo Tổ theo dõi diễn biến rừng của Chi cục, các Hạt Kiểm lâm tăng cường ứng dụng ảnh viễn thám (Sentinel 2, Lansat 8), ảnh vệ tinh trên Website Planet.com luôn được cập nhật mới và sử dụng phần mềm GIS để kịp thời phát hiện, xử lý các biến động rừng góp phần hạn chế các vụ việc phá rừng, cháy rừng xảy ra. Trong 06 tháng đầu năm 2020, qua tổng hợp theo dõi diễn biến rừng theo các nguyên nhân khác nhau, trên địa bàn toàn tỉnh đã xác định có 11.472 lô có diễn biến, với diện tích diễn biến 17.566 ha, so với cùng kỳ năm 2019 số lô có biến động tăng 4.153 lô (tăng 57%), diện tích có diễn biến tăng 4.266 ha (tăng 32%). Trong đó kết quả trồng rừng là 3.668,48 ha; khai thác rừng trồng 4.430,24 ha; cháy rừng 19,99 ha; khoanh nuôi, chăm sóc rừng trồng thành rừng 3.857,41 ha; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng 142,55 ha; phá rừng, lấn chiếm đất rừng 27,88 ha; các nguyên nhân khác (điều chỉnh nhầm lẫn hiện trạng rừng trong quá trình kiểm kê) 998,6 ha.
Kết quả cập nhật diễn biến rừng trong 06 tháng đầu năm 2020 cũng phản ánh diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh tăng 611,44 ha so với số liệu diễn biến rừng năm 2019. Nguyên nhân tăng do kết quả rà soát, điều chỉnh một số diện tích rừng tự nhiên trên núi đá đảm bảo tiêu chí thành rừng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP; trong đó huyện Minh Hóa tăng 391,03ha; huyện Quảng Ninh tăng 167,92ha; huyện Bố Trạch tăng 90,05ha.
Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả công tác cập nhật diễn biến rừng theo quy định mới, đảm bảo số liệu về rừng được thống kê, báo cáo chính xác và kịp thời phục vụ các chương trình, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đòi hỏi các cấp, các ngành chức năng, đơn vị có liên quan cần nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng, đặc biệt là Tổ theo dõi diễn biến rừng của Chi cục phải tăng cường bám địa bàn cơ sở, gắn kết chặt chẽ với địa bàn được phân công, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ kỹ thuật các Hạt Kiểm lâm, Kiểm lâm địa bàn, đồng thời các đơn vị chủ rừng phải nâng cao ý thức trách nhiệm về tổ chức theo dõi diễn biến rừng trên lâm phận, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo diễn biến rừng theo đúng quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 quy định về điều tra, kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến rừng. Tăng cường ứng dụng phát hiện cảnh báo mất rừng đăng tải trên Website của Cục Kiểm lâm, ứng dụng ảnh viễn thám (Sentinel - 2, Lansat - 8), vệ tinh Planet cập nhật hàng ngày để theo dõi, kiểm tra, kiểm soát phát hiện sớm các biến động rừng, đồng thời tổ chức tập huấn mở rộng cho các cán bộ kỹ thuật các chủ rừng về nghiệp vụ giải đoán ảnh vệ tinh, sử dụng phần mềm QGIS. Bên cạnh đó, một giải pháp không thể thiếu được đó là xử lý nghiêm minh trách nhiệm của các chủ rừng không thực hiện chế độ thông tin báo cáo khi có biến động theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 16, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.
Việc theo dõi diễn biến rừng càng chính xác sẽ là tiền đề cho việc hoạch định các chính sách phát triển lâm nghiệp sử dụng rừng bền vững, các giải pháp kinh tế - kỹ thuật trong kinh doanh phát triển rừng, góp phần định hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, cũng như thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020.


Trần Tuấn Anh

Chi cục Kiểm lâm

More