«Bài viết» тимчасово недоступний...
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Triển khai công tác phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão 2021

Font size : A- A A+

 Tình hình thiên tai trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng khốc liệt, diễn biến phức tạp và khó lường.

Trên thế giới, thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2020 khoảng 210 tỷ USD, điển hình là trận lũ khốc liệt tại Trung Quốc diễn ra trong tháng 6/2020 đã gây ngập sâu trên diện rộng làm 271 người chết, ước tính thiệt hại trên 22,7 tỷ USD; trận lũ như sóng thần trong tháng 7/2020 tại Nhật Bản làm 77 người chết thiệt hại hàng tỷ USD. Tại Việt Nam, năm 2020 có 14 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta, thiên tai đã làm 280 người chết, ước tính thiệt hại trên 33 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD).
Tại Quảng Bình năm 2020, là năm trên địa bàn tỉnh hứng chịu đợt thiên tai thảm khốc nhất từ trước đến nay, “mưa chồng mưa, bão chồng bão, lũ chồng lũ” nối tiếp nhau đã tạo ra trận lũ lịch sử tháng 10/2020, trận lũ đã ngập sâu trên diện rộng vùng hạ lưu sông Son, sông Gianh đặc biệt là vùng hệ thống sông Nhật Lệ, trận lũ đã đánh dấu một mốc lịch sử mới cho hệ thống sông này (Đỉnh lũ trên sông Kiến Giang tại trạm Lệ Thủy đạt 4.88m vượt lũ lịch sử năm 1979 là 0.97m, ứng với tần suất 0.75%, tại trạm thủy văn Đồng Hới đạt 2.64m, vượt lũ lịch sử năm 2013 là 0.47m, ứng với tần suất 0.2%). Trận lũ đã gây thiệt hại cho tỉnh trên 3.600 tỷ đồng (làm 25 người chết, 197 người bị thương, sập 113 ngôi nhà, ngập trên 126.000 nhà, nhiều trường học, trạm y tế bị hư hỏng; hàng trăm ngàn m3 đất đá bê tông bị cuốn trôi; hàng ngàn hecta lúa, hoa màu bị hư hỏng; hàng trăm ngàn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi...), để lại ký ức buồn cho người dân Quảng Bình, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đời sống của nhân dân, đòi hỏi cần nhiều thời gian, nguồn lực, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, khắc phục thiệt hại do thiên tai năm 2020 gây ra.
Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, giảm thiệt hại về người và của. Ngay từ đầu năm 2021, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMT tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 và phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai cho năm 2021, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị: Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT & TKCN kiêm Ban chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp; xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro; tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng chống thiên tai; rà soát vật tư, phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ; lập và phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa; lập và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ chứa; kiểm tra an toàn hồ đập, đê điều, vùng có nguy cơ sạt lở trước mùa mưa lũ; thu quỹ phòng chống thiên tai....
Năm 2021, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là các hình thế cực đoan như bão mạnh, siêu bão, mưa lũ lớn, sạt lở đất ở vùng núi. Từ đầu năm đến nay đã có 2 cơn bão hoạt động trên biển Đông, có 11 đợt gió mùa Đông Bắc và không khí lạnh tăng cường; có 02 đợt nắng nóng với nhiệt độ 38, 39 độ, có nơi trên 40oC; có 03 đợt giống lốc, ước tính tổng giá trị thiệt do thiên tai toàn tỉnh từ đầu năm đến nay là trên 5 tỷ đồng. Để chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và thực hiện tốt Luật Phòng chống thiên tai, Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, với tình thần phải xác định công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ thường xuyên và rất quan trọng, phải huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và hệ thống chính trị theo nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”. Và tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
- Tổ chức triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và các văn bản pháp luật khác về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, quản lý đê điều.
- Tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020; kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai các cấp, các ngành nhằm đảm bảo công tác chỉ huy, chỉ đạo.
- Xây dựng và phê duyệt Kế hoạch PCTT các cấp giai đoạn 2021-2025, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, trong các chương trình, hoạt động của các cấp tại địa phương.
- Các địa phương, Sở, ban ngành rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên địa bàn, đặc biệt cần chủ động xây dựng kịch bản sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp để đảm bảo an toàn trong chỉ đạo, ứng phó với thiên tai, đồng thời đảm bảo an toàn chống dịch bệnh.
- Ưu tiên kinh phí để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng dữ liệu, công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực Văn phòng Thường trực các cấp; xây dựng phòng họp trực tuyến, kết nối giao ban trực tuyến với Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT tại Văn phòng Thường trực tỉnh.
- Rà soát, cũng cố, thành lập lực lượng xung kích PCTT cấp xã để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị khẩn trương tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình để đưa vào vận hành khai thác trong mùa mưa bão 2021. Đối với các công trình có tính chất phòng chống thiên tai phải đảm bảo tiến độ vượt lũ để đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực dân cư; đẩy nhanh công tác làm nhà chống bão, lụt thuộc các chương trình, dự án hỗ trợ xây nhà cho người nghèo đảm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương do thiên tai.
- Rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng các công trình phòng chống thiên tai có nguy cơ mất an toàn để có các giải pháp xử lý kịp thời.
- Tiếp tục đôn đốc các ngành, các địa phương thực hiện Kế hoạch số 155-KH/TU ngày 09/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Kế hoạch số 163-KH/TU về việc tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; Kế hoạch số 2130/KH-UBND ngày 24/9/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 155-KH/TU ngày 09/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 22/12/2020 của Tỉnh ủy về khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định đời sống nhân dân; Chương trình hành động số 121/CTr-UBND ngày 21/01/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 22/12/2020 của Tỉnh ủy.
- Lập kế hoạch thu, nộp quỹ PCTT theo quy định tại Nghị định số 94, 83 của Chính phủ.
- Phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến.
- Ưu tiên kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 để đầu tư, sửa chữa các công trình phòng chống thiên tai bị hư hỏng, nhất là công trình đê điều, hồ chứa xung yếu, khắc phục sạt lở, ổn định dân cư, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.
- Thực hiện tốt công tác quản lý đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập; vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
- Tổ chức diễn tập, tập huấn để nâng cao năng lực, nhận thức công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Với sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống của chính quyền địa phương, các cơ quan đơn vị và người dân với phương châm “4 tại chỗ”, công tác phòng chống lụt, bão của tỉnh sẽ phát huy hiệu quả nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất thiệt hại khi mưa bão xảy ra.
                                                                                                Đinh Khánh Hậu
                                                                                                Chi cục Thủy lợi

More