Bài viết 暫時不能作用。
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Kinh tế trang trại vẫn cần sự hỗ trợ để phát triển

Font size : A- A A+
 Năm 2017, kinh tế trang trại tiếp tục được tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Tỉnh đã có Quyết định số 3119/QĐ-UBND ngày 05/9/2017 phê duyệt Đề án “Phát triển Kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017-2022”. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp & PTNT cũng đã xây dựng Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2018-2022 trình UBND tỉnh.

 Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 736 trang trại đạt tiêu chí theo quy định, tăng 22 trang trại so với năm 2016, trong đó có 459 trang trại tổng hợp, 204 trang trại chăn nuôi, 44 trang trại thủy sản, 17 trang trại lâm nghiệp và 12 trang trại, trồng trọt. Trang trại đã khai thác, sử dụng có hiệu quả 3.793,44 ha đất nông, lâm nghiệp và mặt nước nuôi trồng thuỷ sản; trong đó có 2.650,30 ha/3.263,28 ha đất đủ điều kiện, đạt 81,22%; tăng 37,92% so với năm 2016. Thu hút hơn 3.000 lao động, thu nhập bình quân 4,0-5,0 triệu đồng/tháng.
Trang trại đã tạo ra nhiều giá trị sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tổng giá trị thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại đạt 808.301 triệu đồng; bình quân 1.098,2 triệu đồng/trang trại, trong đó có nhiều trang trại có tổng thu đạt từ 5.000 triệu đồng trở lên. Tổng giá trị sản phẩm hàng hoá và dịch vụ bán ra của trang trại là 762.794 triệu đồng, bình quân 1.036,4 triệu đồng/trang trại. Tổng thu bình quân trên 1 ha đất của trang trại đạt 213 triệu đồng, cao gấp gần 3 lần so với sản xuất của hộ dân.
Hiệu quả kinh tế trang trại đã rõ nét, nhưng hiện chỉ mới khai thác được một tỷ lệ rất nhỏ so vơi tiềm năng sẵn có của tỉnh, thực tiễn đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, cần có những cơ chế để thúc đẩy phù hợp.
- Thứ nhất: Một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc phát triển kinh tế trang trại là sự khan hiếm trầm trọng về vốn. Nhu cầu vốn để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất rất lớn, nhưng chủ yếu vay thương mại, thế chấp tài sản, nên đầu tư còn thấp, chưa có nhiều trang trại có quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao. Các chủ trang trại chưa tiếp cận được kênh vay tín chấp theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và các nguồn vốn vay ưu đãi, vay lãi suất thấp khác liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Do thiếu vốn nên việc sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các trang trại gặp nhiều khó khăn. Anh Phan Thanh Nhàn, thôn Hải Lưu, xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch cho biết: “Làm trang trại phải đầu tư vốn lớn nhưng rủi ro cao nên rất khó khăn khi đi vay vốn. Do thiếu vốn nên trang trại khó mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư ứng dụng các công nghệ mới”.
- Thứ hai: Số lượng trang trại có quy mô lớn, mang tính đột phá còn ít, còn thiếu kết nối với thị trường. Cùng với đó, hầu hết các trang trại đều có quy mô nhỏ, không tập trung gây khó khăn trong việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hiệu quả sản xuất kinh doanh trang trại tỉnh ta thấp hơn toàn quốc cả về giá trị sản xuất/trang trại và giá trị sản xuất/ha.
- Thứ ba: Mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao còn ít, chưa có nhiều mô hình hiệu quả cao để nhân rộng. Toàn tỉnh có 10/736 trang trại (chiếm 1,4%) ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất.
- Thứ tư: Liên kết sản xuất, kinh doanh giữa các chủ trang trại và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn ít. Sản phẩm bán ra chủ yếu qua khâu trung gian nên phụ thuộc lớn vào sự biến động của thị trường.
- Thứ năm: Trình độ quản lý, sản xuất kinh doanh của chủ trang trại còn hạn chế. Lực lượng lao động trong trang trại chưa được đào tạo nghề cơ bản. Sản xuất của trang trại chưa thật sự bền vững, có trang trại gây ô nhiễm môi trường.
- Thứ sáu: Thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của trang trại. Năm 2017, toàn tỉnh có 470 trang trại bị thiệt hại bão số 10 gây ra, với tổng giá trị thiệt hại ước tính là 182.151,2 triệu đồng, trong đó có nhiều trang trại bị thiệt hại gần như hoàn toàn, nhưng hầu hết các chủ trang trại không được hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão gây ra.
- Thứ bảy: Chính sách hỗ trợ trang trại đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mô hình điểm năm 2018 không có; thiếu những cơ chế, chính sách mang tính đột phá. Đề án Phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2017-2022 đã được ban hành nhưng chưa được bố trí các nguồn vốn để triển khai thực hiện.
Trong thời gian tới, để phát triển kinh tế trang trại, các cấp các ngành cần quan tâm, ưu tiên lồng ghép các nguồn kinh phí để tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển Kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017-2022”; đồng thời tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất của trang trại; tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh đa dạng theo chuỗi giá trị; phát triển trang trại nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo hiệu quả, bền vững.


Võ Thị Bích Thảo
Chi cục Phát triển nông thôn

More