Bài viết 暫時不能作用。
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Hạn chế rủi ro cho nghề nuôi cá lồng

Font size : A- A A+

 Những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng xuất hiện hầu hết ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh, với các loại cá truyền thống như trắm, chép, rô phi, diêu hồng… đến các loại đặc sản như cá chẽm, cá dìa, cá lăng, cá chình… Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh mẽ nhưng lại không đồng bộ, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch đã dẫn đến việc người nuôi gặp nhiều rủi ro, đặc biệt là vào thời điểm nắng nóng khiến cá nuôi lồng dễ nhiễm vi khuẩn, sốc nhiệt...

 Anh Nguyễn Trí Dũng là một hộ nuôi cá lồng thành công tại hồ Thác Chuối xã Phú Định huyện Bố Trạch chia sẻ: Nuôi cá lồng mang lại nguồn lợi kinh tế cao là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, đây cũng là nghề đầy rủi ro, đặc biệt “khắc tinh” của nghề nuôi cá là sự biến đổi thời tiết. Thời tiết mát mẻ, thuận lợi thì cá sẽ sinh trưởng và phát triển tốt nhưng ngược lại, chỉ cần bất lợi chút thì cá sinh trưởng chậm và rất dễ bị chết, vào mùa mưa bão thì rủi ro càng nhân lên cao. Có khi, một lồng cá gia đình anh phải tốn công chăm sóc đến tận 10 tháng mới có thể xuất bán.

Thời gian qua, chịu ảnh hưởng của sự biến đổi thời tiết, liên tục những đợt nắng nóng kéo dài đã gây không ít trở ngại cho nghề nuôi cá lồng. Nhiều hộ dân nuôi cá lồng điêu đứng với tình trạng cá chết hàng loạt do nắng nóng kéo dài, anh Nguyễn Quang Khánh một hộ dân có kinh nghiệm nuôi cá lồng tại xã Mai Thủy (Lệ Thủy) cho biết, nuôi cá lồng nếu gặp may mắn thì đổi đời, ngược lại nếu không được “trời thương” thì ngậm ngùi trắng tay. Đợt nắng nóng vừa qua gia đình anh cũng không tránh khỏi tình trạng hao hụt do cá chết. Theo anh, để nuôi cá lồng thành công cần chú ý chọn mua con giống ở những cơ sở có uy tín như trại cá giống nước ngọt Đại Phương, đồng thời học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tiên tiến để ứng phó kịp thời khi thời tiết thay đổi. Một vấn đề đáng lưu tâm nữa là đầu ra sản phẩm, đa số các hộ thả nuôi cá lồng với quy mô nhỏ lẻ nên đầu ra cũng bấp bênh, may rủi. Điều đáng lo ngại là thương lái thường “ép” giá theo ngẫu hứng, chưa có sự “liên kết” giữa những người nuôi cá để bình ổn giá.
Do đó, để phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, tỉnh ta cần phải có giải pháp quy hoạch vùng nuôi cụ thể, đồng thời hỗ trợ thêm những chính sách hỗ trợ giá cá giống, lồng nuôi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nuôi lồng; khuyến khích người dân nuôi theo quy hoạch, tránh tình trạng tự phát gây ảnh hưởng xấu đến tự nhiên. Đặc biệt, để hạn chế rủi ro khi nuôi cá lồng bà con cần lưu ý về vấn đề về con giống, trong đó cần chọn mua con giống ở các cơ sở sản xuất giống có uy tín, chất lượng, tăng cường kiểm dịch con giống trước khi thả để giảm bớt dịch bệnh trong quá trình nuôi. Bên cạnh đó, các hộ nuôi cần học hỏi kinh nghiệm và tư vấn kỹ thuật để có chế độ cho cá lồng ăn phù hợp, không nên thấy thức ăn rẻ mà cho ăn quá nhiều vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường nuôi mà phải theo dõi, kiểm tra sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Tập trung thực hiện phòng trị bệnh tổng hợp để tăng sức đề kháng cho cá, như định kỳ vệ sinh lồng nuôi, hàng tháng bổ sung vitamin C, tỏi tươi và chế phẩm sinh học vào thức ăn cho cá để phòng bệnh và tăng sức đề kháng cho cá. Ngoài ra, để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, các hộ nuôi cần hình thành tổ hợp tác nhằm gắn kết tiêu thụ sản phảm theo hình thức hợp đồng để tránh phụ thuộc vào giá cả của thương lái…
                                                                                         Đoàn Loan
                                                                               TT Giống thủy sản

 

More