Bài viết暂时不可用。
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Tăng cường ngăn chặn việc tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện khai thác thủy sản

Font size : A- A A+
 Hiện nay, vấn nạn tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện trong khai thác thủy sản vẫn còn, gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, về lâu dài có thể hủy diệt cả một hệ sinh thái. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà hàng thủy sản xuất khẩu của ta bị “từ chối” tại thị trường Châu Âu. Chính vì vậy, mục tiêu bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Nhà nước đã được cụ thể hóa trong các văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, trong đó có các quy định về cấm sử dụng xung điện, chất nổ trong khai thác thuỷ sản.

 Luật Thuỷ sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định rất rõ về hành vi sử dụng xung điện, chất nổ trong khai thác sẽ bị xử lý bằng các biện pháp hành chính. Bên cạnh đó, những hành vi nguy hiểm, mang tính chất hủy hoại nguồn lợi thủy sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại địa phương, UBND tỉnh ngoài ban hành nhiều văn bản còn lồng ghép chỉ đạo trong nhiều cuộc họp bàn về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng này trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho UBND cấp huyện chỉ đạo các lực lượng chuyên môn và UBND cấp xã triển khai quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản tại vùng nước nội địa và vùng biển ven bờ.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương, các ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng xung điện, chất nổ khai thác thuỷ sản, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để giáo dục, răn đe người dân. Đặc biệt, với vai trò quản lý trong lĩnh vực thuỷ sản, Chi cục Thuỷ sản đã tích cực tuyên tuyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý; Chi cục đã xây dựng 14 pa-nô tuyên truyền về cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản tại các địa phương trọng điểm nghề cá của tỉnh; biên soạn và phát 1.000 tờ rơi về chống khai thác IUU; phối hợp tuyên truyền tại các hội nghị do địa phương tổ chức; hằng năm đều tổ chức nhiều cuộc thanh tra việc sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thuỷ sản, riêng năm 2020 đã tổ chức 04 cuộc, phát hiện và xử lý 03 trường hợp tàng trữ, sử dụng xung điện để khai thác thuỷ sản, xử phạt 29 triệu đồng, tịch thu tiêu huỷ 03 bộ kích điện.
Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đang gồng mình nỗ lực để đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản đứng trước các nguy cơ bị hủy diệt, đảm bảo hoạt động khai thác thuỷ sản bền vững, có trách nhiệm, hiện đại hơn. Để ngăn chặn vấn nạn sử dụng xung điện, chất nổ trong khai thác thuỷ sản, rất cần sự chung tay, thay đổi ý thức và hành động từ người dân. Cần phải xác định rõ trách nhiệm của người dân và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn hành vi tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ khai thác thủy sản. Về phía người dân, cần phải chủ động nâng cao ý thức học hỏi, tiếp thu các kiến thức pháp luật. Để từ đó chấp hành tốt các quy định về khai thác thủy sản. Về phía chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nội dung Luật Thuỷ sản năm 2017, Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ đến mọi tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn để nâng cao nhận thức cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tăng cường chỉ đạo mạnh mẽ phát triển sản xuất khai thác, khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đầu tư chuyển đổi từ nghề có tính chất huỷ diệt sang nghề khai thác có chọn lọc hoặc từ nghề khai thác sang nuôi trồng thuỷ sản hoặc các nghề khác. Ngoài ra, để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, các địa phương cần phải phối hợp với các lực lượng chức năng chủ động nắm bắt tình hình, tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thuỷ sản tại các vùng nước được phân cấp theo chỉ đạo của UBND tỉnh.


Bùi Tuyết Nhung
Chi cục Thủy sản

More