Bài viết暂时不可用。
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Phát huy vai trò kinh tế hợp tác trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Font size : A- A A+

 Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 7 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, số lượng HTX tỉnh ta ngày càng tăng, chất lượng hoạt động được nâng lên. Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT.

 Tình hình kinh tế hợp tác

Theo thống kê, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 1 liên hiệp HTX nông nghiệp với 4 thành viên; 211 HTX nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 26 HTX so với năm 2018 (thành lập mới). Tổng số thành viên HTX là 64.534 người, bình quân 306 người/HTX; tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 2.205 người, bình quân 10 người/HTX; thu nhập bình quân lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 2,6 triệu đồng/người/tháng.
Có 14/211 HTX ứng dụng công nghệ cao, chiếm 6,6% trên tổng số hợp tác xã nông nghiệp. Có 48/211 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên với 24 doanh nghiệp, chiếm 22,7% trên tổng số hợp tác xã nông nghiệp toàn tỉnh. Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi của các HTX đã gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương như chuỗi lúa gạo, khoai lang, lạc, gà, lợn, thỏ, ong, tôm, nấm, dược liệu.
Năm 2019, từ nguồn vốn CTMTQG XD NTM đã triển khai 05 lớp tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho 186 lượt cán bộ quản lý hợp tác xã; hỗ trợ 03 HTX tham gia thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn tại HTX giai đoạn 2019-2021; hỗ trợ 15 HTX nông nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (kênh mương, giao thông nội đồng, trụ sở HTX,...); hỗ trợ HTX tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại. Từ nguồn vốn chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, thủy sản năm 2019 của tỉnh đã hỗ trợ thành lập mới 10 HTX chuyên ngành.
Nhờ đó, hoạt động HTX nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các thành viên; nhiều HTX đã huy động thêm vốn góp nhằm tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực, phát triển sản xuất kinh doanh, làm tốt các khâu dịch vụ như: máy gặt liên hợp; máy làm đất; máy chế biến và đóng gói lúa gạo; hệ thống máy hấp sấy nguyên liệu...; cải tạo nâng cấp trạm bơm nước, tu sửa và làm mới kênh mương nội đồng, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông sản cho các thành viên HTX; góp phần thực hiện tiêu chí 13-Tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới của các xã đăng ký đạt chuẩn NTM. Nguồn vốn sản xuất kinh doanh năm 2019 bình quân 2.557 triệu đồng/HTX; doanh thu bình quân 1.072 triệu đồng/HTX; tăng bình quân 160 triệu đồng/HTX so với năm 2018. Một số HTX điển hình có doanh thu từ 3 tỷ đồng trở lên như: HTX Hiến Lựu, Tuy Lộc - huyện Lệ Thủy; HTX Hiền Nguyên, Tuấn Linh- huyện Bố Trạch; HTX Thủy sản Công Hòa, Đũa gỗ Quảng Thủy-TX Ba Đồn; HTX Nuôi trồng thủy sản Trung Minh, Chăn nuôi tổng hợp sạch Nam Hồng Quảng huyện Quảng Trạch.
Những kết quả trên cho thấy, kinh tế HTX tỉnh ta đang phát triển đúng hướng, phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta, vừa khuyến khích kinh tế cộng đồng thành viên HTX, vừa tôn trọng và nâng cao vị thế kinh tế hộ thành viên. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn và tiềm năng phát triển, những kết quả về phát triển HTX còn khiêm tốn và còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế cần được tháo gỡ trong thời gian tới.
Giải pháp phát triển kinh tế hợp tác xã
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước đối với kinh tế hợp tác xã. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về kinh tế tập thể.
Tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển HTX nông nghiệp theo Kế hoạch đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020 của tỉnh; Kế hoạch số 1954/KH-UBND ngày 16/11/2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020” tỉnh Quảng Bình. Hỗ trợ thành lập mới các HTX nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển HTX sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương để hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy nhanh tiến độ phát triển các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tiếp tục thực hiện chính sách đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tham quan học tập kinh nghiệm cho cán bộ HTX và cán bộ quản lý Nhà nước về HTX.
Huy động mọi nguồn lực cho phát triển HTX. Ưu tiên bố trí các nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn kết chặt chẽ hơn việc liên kết giữa doanh nghiệp và HTX theo ký kết hợp đồng. Ưu tiên đầu tư cho hoạt động chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm. Xây dựng một số mô hình điểm, mang tính đột phá để nhân rộng. Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung; các xã có sản phẩm chủ lực mang lợi thế cạnh tranh theo đề án OCOP.
Hỗ trợ, khuyến khích HTX liên doanh, liên kết theo Nghị quyết số 59/2019/NQ-UBND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển HTX nông nghiệp; hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các HTX trong việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, đào tạo bồi dưỡng, kết nối thị trường, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị… để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp.
Hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là một giải pháp quan trọng của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì vậy, mô hình kinh tế hợp tác, HTX là sự lựa chọn thích hợp để các hộ cá thể thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, gia tăng giá trị và phát triển bền vững.
 
                                                                                                Võ T. Bích Thảo
Chi cục Phát triển nông thôn

More