Bài viết暂时不可用。
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Tăng cường công tác bảo tồn động vật hoang dã trong khu bảo tồn thiên nhiên

Font size : A- A A+
 Bảo tồn động vật hoang dã là hoạt động bảo vệ các loài động vật hoang dã và môi trường sống của chúng nhằm đảm bảo cân bằng sinh thái, gìn giữ hệ thống tự nhiên cho các thế hệ mai sau và góp phần nâng cao nhận thức của con người về tầm quan trọng của động vật hoang dã và môi trường sinh thái tự nhiên.

 Nằm trên địa bàn hành chính xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong có tổng diện tích hơn 22 ngàn hecta với tỷ lệ che phủ hơn 98%, đây là mái nhà chung của rất nhiều loài động vật hoang dã. Theo các kết quả khảo sát của các nhà khoa học Quốc tế, Viện Sinh thái Tài nguyên Sinh vật, Trường Đại học Lâm nghiệp và Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt (Viet Nature) điều tra trong các năm 2014-2017 đã thống kê sơ bộ tại Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong có 357 loài động vật có xương sống trên cạn; trong đó có 76 loài thú, 214 loài chim và 67 loài bò sát ếch nhái. Đặc biệt, qua hoạt động thu thập bẫy ảnh đã ghi nhận 71 loài động vật hoang dã, quý hiếm với 32 loài thú, 37 loài chim và 2 loài bò sát.
Với giá trị đa dạng sinh học cao, độc đáo và nhiều loài động thực vật quý hiếm, ngay từ những ngày đầu mới thành lập BQL Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong đã xác định công tác bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và được ưu tiên hàng đầu của đơn vị. Tuy nhiên, vùng đệm của Khu dự trữ có 07 thôn bản sinh sống gần rừng gồm An Bai, Hà Lẹc, Rum-Ho, Trung Đoàn, Bạch đàn, Xà Khía, Mít Cát, người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, trình độ dân trí thấp, đời sống hằng ngày phụ thuộc chủ yếu vào rừng nên nguy cơ xâm hại rừng, săn bắt, bẫy động vật hoang dã luôn ở mức cao.
Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo triển khai đồng thời nhiều biện pháp, như: Phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn lập các chốt chặn trên các tuyến đường trọng yếu; lập các chốt BVR ở sâu trong rừng túc trực 24/24 để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng lợi dụng địa hình hiểm trở tránh các chốt chặn vòng ngoài xâm nhập vào khu dự trữ; tổ chức các tuyến tuần tra thường xuyên, tuần tra đột xuất, tuần tra tháo gỡ bẫy động vật trên toàn lâm phận... Theo báo cáo tổng hợp từ phần mềm Smart, tính từ đầu năm đến nay đơn vị đã tổ chức 636 tuyến tuần tra truy quét trên toàn lâm phần, kịp thời phát hiện và tháo gỡ hơn 40 tuyến bẫy, thu gom hơn 4.200 bẫy các loại, giải cứu nhiều cá thể động vật hoang dã. Đồng thời, đơn vị cũng tổ chức nhiều đợt tập huấn, nhiều hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào các thôn bản vùng đệm về pháp luật nhà nước trong Lâm nghiệp, luật đa dạng sinh học để họ không khai thác, săn bắt, sử dụng các sản phẩm từ rừng, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã.
Để người dân không vào rừng, cùng chung sức bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã thì những hoạt động cải thiện sinh kế cho người dân nơi đây là rất cần thiết, vì vậy rất mong các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa và có các chính sách hỗ trợ sinh kế tạo công ăn việc làm cho người dân vùng đệm từ đó đời sống của họ không còn phụ thuộc vào rừng.


Võ Mạnh Vương
BQL KBTTN Động Châu-Khe Nước Trong

More