Denbora baterako Bài viết ez dago erabilgarri.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô

Font size : A- A A+

 Theo kế hoạch vụ hè thu 2019, toàn tỉnh gieo trồng 800 ha ngô. Cơ cấu các giống chủ lực, chịu hạn, năng suất cao như NK6410, PAC339, CP3Q,... ngô nếp HN88, ngô nếp lai Tố nữ,...; ngô sinh khối NK4300, AVA3668... Đến nay, toàn tỉnh đã gieo 303,5 ha ngô, đạt 37,9 % so với kế hoạch. Trong đó, Tuyên Hóa 83 ha, Bố Trạch 75 ha, Quảng Trạch 55 ha, Minh Hóa 35 ha, Lệ Thủy 20,5 ha, Quảng Ninh 20 ha, Ba Đồn 15 ha.

 Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện sâu keo mùa thu (SKMT). Đây là đối tượng sâu hại mới xâm nhập vào Việt Nam. SKMT khá nguy hiểm, có thể gây hại trên nhiều loại cây trồng. Sâu có khả năng di chuyển xa, phát tán mạnh, sinh sản rất cao, phàm ăn, kháng thuốc rất nhanh nên rất khó khăn trong công tác phòng trừ.

Hiện nay, toàn tỉnh có 22 ha ngô nhiễm sâu keo mùa thu. Trong đó Bố Trạch 15 ha (TT Nông trường Việt trung), Tuyên Hóa 7 ha (Thuận Hóa, Đồng Hóa, Phong Hóa,…). Mật độ phổ biến 4-5 con/m2, nơi cao 8-10 con/m2.
SKMT là đối tượng dịch hại mới, do đó bà con nông dân phải biết đặc điểm hình thái và triệu chứng gây hại trên đồng ruộng nhằm chủ động trong điều tra phát hiện và triển khai phòng trừ.
          Về đặc điểm hình thái, sâu non SKMT có 6 tuổi, từ tuổi 3-6 có màu nâu xám -nâu sẫm với các sọc dọc thân. Trên đầu sâu non tuổi lớn nhìn rõ hình chữ Y ngược màu vàng, mặt lưng màu đen có lông cứng dài. Trên mặt lưng đốt bụng cuối có bốn chấm đen được sắp xếp thành hình vuông (trong khi các đốt khác có 4 chấm đen xếp thành hình thang). Sâu non mới gây hại trên cây trồng, với triệu chứng như sau: sâu non tuổi 1-2 ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non gây ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non tuổi lớn hơn ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn. Về cây ký chủ, sâu keo mùa thu có thể ăn hơn 300 loài thực vật, bao gồm cả ngô, bông, đậu tương, lúa, mía, cây rau, cà,... Tuy nhiên, sâu ưa thích nhất cây ngô, đặc biệt là ngô ngọt, ngô nếp và ngô rau.
Để các địa phương chủ động trong công tác điều tra, phát hiện và triển khai phòng trừ có hiệu quả, ông Lê Xuân Tứ - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực cho biết: SKMT là đối tượng dịch hại mới, đây là đối tượng sâu hại khá nguy hiểm, gây hại trên nhiều loại cây trồng. Sâu phát tán mạnh, sinh sản rất cao, phàm ăn lại kháng thuốc rất nhanh nên rất khó khăn trong công tác phòng trừ. Để phòng trừ sâu keo mùa thu có hiệu quả cần thực hiện biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật.
Thứ nhất, thực hiện tốt biện pháp canh tác, làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu. Làm đất rồi phơi đất khô để nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt. Luân canh ngô và cây trồng khác ngay sau vụ ngô để diệt nhộng trong đất.
Tiếp theo, tích cực thực hiện tốt biện pháp thủ công, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy. Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non.
Thực hiện bẫy bả, bẫy đèn bằng cách sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt trưởng thành. Hoặc bẫy cây trồng bằng cách trên cánh đồng trồng ngô, cần trồng xen một số diện tích cỏ voi, ngô nếp sớm hơn so thời vụ chung để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng. Sử dụng bẫy diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun trừ sâu non trên các diện tích bẫy cây trồng.
Khi sâu xuất hiện rải rác, mật độ sâu thấp, thực hiện biện pháp sinh học bằng cách hạn chế sử dụng thuốc hóa học để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa thu. Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ. Nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ, ...), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở - tuổi nhỏ. Với mật độ sâu cao trên 4-5 con/m2, sử dụng biện pháp hóa học: Dùng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Clever 150SC, Dupont Prevathon 5SC, Ammate 150SC để phun trừ khi sâu tuổi 1-3 với liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất, phun sáng sớm hoặc chiều mát. Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng.
Lưu ý với bà con nông dân, sâu keo mùa thu có tính kháng thuốc cao vì vậy cần sử dụng đúng thuốc và phòng trừ khi sâu tuổi 3 mới đạt hiệu quả cao.
                                                                                       Đặng Thảo

More