Denbora baterako Bài viết ez dago erabilgarri.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Chủ động phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa Hè Thu 2018

Font size : A- A A+

 Bệnh lùn sọc đen (LSĐ) lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong vụ lúa Đông Xuân 2009 - 2010 và gây hại nặng trong vụ Hè Thu 2010 với diện tích nhiễm 87 ha, tỷ lệ hại khá cao, nhiều nơi mất trắng làm ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất. Từ năm 2011 đến hết vụ sản xuất Đông xuân 2016-2017 trên cây lúa không thấy xuất hiện triệu chứng bệnh LSĐ. Tuy nhiên, vụ Hè thu 2017, bệnh LSĐ đã xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương như Quảng Trạch, Quảng Ninh, Bố Trạch…

 Tác nhân gây bệnh là do virus lùn sọc đen phương Nam. Rầy lưng trắng (RLT) là môi giới truyền virus , cả rầy non và rầy trưởng thành đều truyền bệnh.
Tác hại của bệnh LSĐ là rất lớn đối với người trồng lúa. Đây là một loại bệnh nguy hiểm, lây lan rất nhanh, truyền từ vụ này sang vụ khác và hiện nay chưa có thuốc để phòng trừ. Khi cây lúa biểu hiện triệu chứng bệnh thì không còn cách để cứu chữa, phải nhổ bỏ. Do đó, việc phòng chống bệnh LSĐ là phải thực hiện tốt công tác phòng trừ rầy lưng trắng (môi giới truyền bệnh), đây là biện pháp quan trọng có tính quyết định để ngăn chặn bệnh LSĐ hại lúa.
Khi cây lúa bị bệnh LSĐ thì lùn xuống, lá xanh đậm hơn bình thường, chóp lá xoăn lại, gân lá nổi rõ, sần sùi, cây đẻ nhiều nhánh. Từ giai đoạn làm đòng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và rễ mọc ngược. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp trắng, khi u sáp già chuyển sang màu đen chạy dọc theo bẹ và thân lúa. Bệnh gây hại từ khi cây lúa mới gieo cho đến giai đoạn đòng trổ. Bị bệnh sớm cây thấp lùn, không hình thành bông hoặc trổ bông không thoát. Bị bệnh muộn cây lúa không thể hiện rõ triệu chứng nhưng khi trổ bông hạt bị đen, lép làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất.

Ông Hoàng Quang Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Để chủ động phòng chống bệnh kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo an toàn mùa màng, trước hết phải thực hiện chăm sóc, tưới tiêu hợp lý, bón phân cân đối, bón tập trung và đúng thời kỳ để lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Thực hiện tốt công tác phòng trừ rầy lưng trắng (môi giới truyền bệnh) và xử lý có hiệu quả cây lúa bị bệnh lùn sọc đen để tránh lây lan.
Đối với phòng trừ rầy lưng trắng, cần thường xuyên thăm đồng điều tra phát hiện sớm. Sau khi gieo 5-7 ngày, nếu phát hiện rầy lưng trắng di trú xuất hiện với mật độ 7- 10 con/m2, giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ trên 300-500 con/m2, điai đoạn làm đòng mật độ 1000-2000con/m2 phải tổ chức phòng trừ ngay. Sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ rầy: Map Arrow 420WP, Chess 50WG, Victory 585EC.
Chú ý, khi sử dụng bà con nông dân phải pha đủ lượng nước thuốc như đã hướng dẫn. Cho nước vào ruộng để diệt trứng và khi phun trừ đạt hiệu quả cao. Phun thuốc sát gốc lúa nơi rầy tập trung cư trú, phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Sau khi phun 3-5 ngày kiểm tra lại đồng ruộng nếu xuất hiện rầy cám (rầy mới nở) cần phải phun lại lần 2.
Mỗi nông dân thường xuyên thăm đồng, điều tra kỹ, phát hiện sớm triệu chứng bệnh lùn sọc đen trên ruộng lúa của mình để có biện pháp xử lý kịp thời tránh lây lan nguồn bệnh. Khi phát hiện cây lúa bị bệnh LSD thì nhổ, vùi những cây lúa bị bệnh. Chăm sóc, bón phân cân đối, phun các loại phân bón hữu cơ, vi lượng qua lá giúp cây lúa khỏe, sinh trưởng tốt. Trên ruộng bị bệnh, nếu phát hiện có rầy lưng trắng thì tiến hành phun thuốc trừ rầy đồng thời kêu gọi chủ ruộng xung quanh phun thuốc để tránh lây lan. Đồng thời báo cho các cơ quan chức năng để kiểm tra, xác định tình hình và có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Bệnh lùn sọc đen hại lúa là loại bệnh rất nguy hiểm. Khi bệnh đã xuất hiện công tác phòng trừ sẽ rất khó khăn và tốn kém mà hiệu quả không cao. Vì vậy bà con nông dân cần hiểu biết về các triệu chứng, tác hại của bệnh, áp dụng các biện pháp phòng chống một cách triệt để theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn mới hạn chế được thiệt hại do bệnh gây ra.

Đặng Thảo

More