Denbora baterako Bài viết ez dago erabilgarri.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Thu tiền tỷ nhờ bán tín chỉ carbon

Font size : A- A A+

Giai đoạn 2023-2025, Quảng Bình sẽ nhận được 235 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD); qua đó mang lại nguồn thu cho gần 11.000 chủ rừng, góp phần hiệu quả vào công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) theo hướng bền vững.

Để giữ rừng bền vững

 

Quảng Bình hiện có trên 590.000ha rừng, trong đó trên 469.000ha rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng 68,70%, chất lượng rừng ở Quảng Bình còn khá tốt, trữ lượng trên 50 triệu m3. Rừng tự nhiên của tỉnh chủ yếu được giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng và các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, UBND cấp xã… quản lý, bảo vệ.

 

Để BVR theo hướng bền vững, ngày 28/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (KNK) vùng Bắc Trung bộ.

 

Xác định tiềm năng và thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực mua bán tín chỉ carbon rừng, Quảng Bình đã sớm đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tham gia dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới tài trợ (REDD+ là sáng kiến nhằm giảm phát thải KNK thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, hạn chế suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng và tăng cường trữ lượng carbon rừng).

Hàng nghìn ha rừng ở tỉnh ta đã được trả tiền từ bán tín chỉ carbon.
Hàng nghìn ha rừng ở tỉnh ta đã được trả tiền từ bán tín chỉ carbon.

Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Duẫn cho biết: “Được sự hỗ trợ của FCPF và REDD+, Quảng Bình đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động “Giảm phát thải KNK từ mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý rừng bền vững và nâng cao trữ lượng carbon rừng; xây dựng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (BV-PTR) tỉnh Quảng Bình để quản lý nguồn thu từ REDD+; xây dựng đường phát thải tham chiếu làm cơ sở để tính toán mức phát thải, hấp thụ và lưu giữ carbon rừng; tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về REDD+. Tỉnh cũng đã phối hợp xây dựng và hoàn chỉnh “Văn kiện chương trình giảm phát thải thí điểm dựa trên kết quả thực tế tại vùng Bắc Trung bộ” do Bộ NN-PTNT chủ trì…”.

 

Với sự quyết tâm của tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của Quỹ FCPF, giai đoạn 2023-2025, Quảng Bình được phân bổ từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho đối tượng rừng tự nhiên hơn 235 tỷ đồng (cao thứ 2 trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ). Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai thỏa thuận chi trả giảm phát thải KNK trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Quỹ BV-PTR mở tài khoản để quỹ Trung ương phân bổ theo quy định; chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ rừng rà soát diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho việc chi trả giảm phát thải KNK.

 

Đến nay, Quỹ BV-PTR đã thực hiện chi trả kinh phí cho các đối tượng hưởng lợi số tiền 68 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch, kinh phí còn lại sẽ được đưa vào kế hoạch tài chính năm 2024 để tiếp tục chi trả theo quy định. Hiện các chủ rừng là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và UBND cấp xã được giao quản lý rừng đã nhận được số tiền này (bình quân hơn 170 nghìn đồng/ha).

 

Niềm vui của chủ rừng

 

Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Quảng Ninh đang quản lý, bảo vệ trên 52.000ha rừng. Năm 2023, đơn vị được chi trả 8,2 tỷ đồng tiền bán tín chỉ carbon. Ông Đỗ Minh Cừ, Giám đốc BQLRPH huyện Quảng Ninh chia sẻ: “Với số tiền này, sắp tới chúng tôi sẽ dựa vào hướng dẫn của cấp trên để lập kế hoạch chi tiêu phù hợp. Trong đó, 10% nguồn kinh phí sẽ chi cho hoạt động quản lý, BVR, như: Mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác quản lý, BVR, hỗ trợ xăng dầu cho xe, thuyền khi tuần tra truy quét, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Số còn lại sẽ hỗ trợ cho người dân trên địa bàn tham gia BVR và xây dựng các mô hình sinh kế”…

 

Thực tế, số tiền ban nhận được khá lớn, trong khi lực lượng BVR của đơn vị đều là viên chức, hưởng lương của nhà nước nên không thể nhận hỗ trợ từ nguồn kinh phí này. Phần lớn diện tích rừng của ban đã khoán cho người dân bảo vệ từ “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I với số tiền 400 nghìn đồng/ha/năm nên cũng không thể hỗ trợ thêm. Nguồn kinh phí này sẽ hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế cho người dân 16 cộng đồng thôn, bản. Tuy nhiên, mỗi cộng đồng được hỗ trợ 1 mô hình trị giá 50 triệu đồng/năm thì trong 3 năm sẽ có thêm 48 mô hình nên số kinh phí còn lại vẫn rất nhiều.

Lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh tuần tra rừng.
Lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh tuần tra rừng.

“Tôi đề nghị các cấp thẩm quyền cần có những điều chỉnh lại đối tượng hưởng lợi từ bán tín chỉ carbon cho phù hợp với từng chủ rừng. Bởi kinh phí nhiều, trong khi lực lượng BVR trực tiếp có thu nhập còn thấp, công việc rất vất vả, nguy hiểm nên có một số người phải bỏ việc hoặc xin chuyển công tác. Các chính sách hỗ trợ BVR cho người dân đã có nhưng vẫn chưa bảo đảm cuộc sống cho họ. Nếu số tiền từ tín chỉ carbon được dùng để hỗ trợ thêm cho lực lượng BVR, người dân tham gia giữ rừng, xây dựng thêm nhiều mô hình sinh kế cho bà con gần rừng thì công tác quản lý, BVR sẽ hiệu quả và có tính bền vững hơn”, ông Cừ chia sẻ thêm.

Hiện, bản Phú Minh, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) đang quản lý, bảo vệ trên 720ha rừng cộng đồng tại tiểu khu 239. Khu rừng này nhà nước giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ hơn 10 năm trước. Hiện trong rừng có nhiều loại gỗ quý có trữ lượng lớn. Trước đây, bà con bảo tham gia BVR được hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha/năm nên rừng ngày càng được bảo vệ tốt hơn. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi mới đây cộng đồng bản được nhận thêm mỗi ha rừng hơn 170 nghìn đồng/năm từ tiền bán tín chỉ carbon.

 

Ông Thái Xuân Hồng, Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng bản Phú Minh phấn khởi: “Có thêm nguồn hỗ trợ, tôi và bà con dân bản rất vui nhưng cũng thấy trách nhiệm của bản thân, cộng đồng đối với rừng ngày càng cao. Dù có khó khăn, vất vả bao nhiêu chúng tôi cũng quyết tâm BVR”. Trong năm 2023, hàng trăm hộ dân bản Phú Minh được nhận tiền hỗ trợ BVR, có những người được nhận hơn 5 triệu đồng từ tiền công đi tuần tra, giữ rừng. Những hộ không tham gia BVR cũng được nhận 2,5 triệu đồng.

 

Từ việc thí điểm chuyển nhượng tín chỉ carbon, cơ quan chức năng của Việt Nam đã chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung bộ cho IBRD với giá khoảng 5 USD/tấn. Qua đó, Quỹ BV-PTR Trung ương là đơn vị đại diện được nhận 51,5 triệu USD. Sau khi trích khoảng 1,8 triệu USD tiền quản lý phí và các khoản chi hợp lệ khác, 49,7 triệu USD còn lại được Quỹ BV-PTR Trung ương điều phối cho các tỉnh trong khu vực theo quy định.

Các nguồn hỗ trợ nói chung và từ bán tín chỉ carbon nói riêng sẽ góp phần giảm áp lực về công tác BVR cho lực lượng Kiểm lâm và các chủ rừng, giảm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, khả năng phòng hộ của rừng, nhận thức BVR của bà con ngày càng được nâng cao.

Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Duẫn cho biết thêm: Thời gian tới, ngoài phát huy thế mạnh rừng tự nhiên, Quảng Bình sẽ mở rộng đối tượng rừng, như: Đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải KNK từ việc thực hiện các hoạt động trồng rừng mới theo tiêu chuẩn quốc tế, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn để nâng cao trữ lượng carbon rừng; tổ chức các cuộc họp tham vấn với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để tham vấn về các kết quả đánh giá và đề xuất hoạt động nhằm phát triển dự án tín chỉ carbon rừng...

 

Nguồn: Website Báo Quảng Bình

More