Bài viết está temporariamente indisponível.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Kinh tế trang trại vẫn cần hỗ trợ để phát triển

Font size : A- A A+
 Gần 5 năm triển khai thực hiện đề án “Phát triển Kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017-2022”, trang trại Quảng Bình đã tăng nhanh về số lượng, chất lượng và giá trị ngày càng được chú trọng. Kinh tế trang trại đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, tích tụ ruộng đất, hình thành các mô hình sản xuất hàng hoá tập trung với quy mô lớn gắn với thị trường, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

 Đến ngày 31/12/2020, Quảng Bình có 323 trang trại đạt tiêu chí kinh tế trang trại theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, gồm: 161 trang trại chăn nuôi; 83 trang trại tổng hợp, 46 trang trại thủy sản, 19 trang trại trồng trọt, 14 trang trại lâm nghiệp. Trang trại hiện đang khai thác và sử dụng có hiệu quả 1.820,1 ha nông, lâm nghiệp và mặt nước nuôi trồng thuỷ sản; thu hút và tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động. Tổng giá trị thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của trang trại năm 2020 đạt 759.266 triệu đồng, bình quân 2.345 triệu đồng/trang trại. Ngày càng xuất hiện nhiều trang trại điển hình có doanh thu cao, thuê nhiều lao động thường xuyên, tiêu biểu có trang trại tổng hợp của anh Đinh Đăng Tuân - Lệ Thủy, Hoàng Nhị Long-Đồng Hới; trang trại thủy sản Ngô Văn Huy - Quảng Ninh, Nguyễn Văn Đồng-Ba Đồn; trang trại chăn nuôi Lê Văn Tuy-Quảng Ninh, Trịnh Thị Vinh-Bố Trạch, Nguyễn Thị Châu-Tuyên Hóa; trang trại trồng trọt của ông Bế Văn Mai-Bố Trạch,...
Các trang trại đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, sử dụng công nghệ cao vào sản xuất; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hệ thống chuồng trại được đầu tư hệ thống làm mát tự động, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi; sử dụng công nghệ vi sinh trong nuôi thâm canh trong nuôi tôm thẻ chân trắng; sử dụng nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt trong trồng trọt, chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap,... Sản xuất của trang trại dần hướng đến thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiệu quả kinh tế trang trại đã rõ nét, nhưng hiện chỉ mới khai thác được một tỷ lệ rất nhỏ so vơi tiềm năng sẵn có của tỉnh, thực tiễn đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, cần có những cơ chế để thúc đẩy phù hợp.
Một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc phát triển kinh tế trang trại là sự khan hiếm trầm trọng về vốn. Nhu cầu vốn để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất rất lớn, bình quân hàng năm trên 2 tỷ đồng/trang trại, nhưng chủ yếu vay thương mại, thế chấp tài sản; các chủ trang trại chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, vay lãi suất thấp khác liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Do thiếu vốn nên việc sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các trang trại gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều trang trại có quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, số lượng trang trại có quy mô lớn, mang tính đột phá còn ít, còn thiếu kết nối với thị trường. Hầu hết các trang trại đều có quy mô nhỏ, không tập trung gây khó khăn trong việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hiệu quả sản xuất kinh doanh trang trại tỉnh ta thấp hơn toàn quốc cả về giá trị sản xuất/trang trại và giá trị sản xuất/ha. Sản xuất của trang trại chưa thật sự bền vững, có trang trại gây ô nhiễm môi trường.
Mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm còn ít, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu qua thương lái nên phụ thuộc lớn vào sự biến động của thị trường, còn nhiều rủi ro, chưa có nhiều mô hình hiệu quả cao để nhân rộng. Toàn tỉnh có 32/323 trang trại (chiếm 10%) ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất; 12 trang trại/323 (chiếm 3,7%) có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm (chủ yếu là trang trại chăn nuôi).
Thiên tai, bão lũ, dịch bệnh thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của trang trại. Năm 2020, tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi làm giảm khả năng sản xuất, dịch covid kéo dài làm giảm tiêu thụ sản phẩm, tình hình thời tiết cực đoan mưa lũ gây thiệt hại nặng nề đến các trang trại, nhiều trang trại phải ngừng hoạt động. Theo thống kê có 163 trang trại bị thiệt hại do lũ lụt, chiếm hơn 50% số trang trại, tổng giá trị thiệt hại hơn 45 tỷ, trong đó các trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản chiếm trên 77% giá trị thiệt hại.
Trong tình hình chuyển đổi và tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay, cần tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất của các trang trại hiện có, tiếp tục phát triển thêm các loại hình trang trại phù hợp với điều kiện của từng vùng, gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Có các giải pháp mang tính đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh cho chủ trang trại; đồng thời quan tâm, tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất của trang trại. Tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh đa dạng theo chuỗi giá trị; phát triển trang trại nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


Võ Thị Bích Thảo
Chi cục Phát triển nông thôn

More