Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Phòng trừ chuột di cư bằng biện pháp canh tác kết hợp hàng rào nilon: Đơn giản mà hiệu quả

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Di cư là một tập tính, bản năng của chuột khi nguồn thức ăn khan hiếm, nơi ở không an toàn. Hàng năm, vào độ trung tuần tháng 8 dương lịch, khi tiếng sấm ầm ì ở chân trời, những cơn mưa lớn đầu mùa, chuột từ ruộng lúa tái sinh, vùng ruộng sâu di cư từng đoàn, từng đoàn lên vùng ruộng cao hơn, nơi những ruộng lúa Hè thu đang ngậm sữa. Chỉ trong một đêm, từng thửa ruộng mơn mởn hứa hẹn mùa bội thu bị tàn phá, cắn nát trong nỗi xót xa của người sản xuất. Đó nỗi ám ảnh của nhiều địa phương sản xuất lúa Hè thu giáp ranh với vùng sản xuất lúa tái sinh, ruộng một vụ. Đây là một trong những nguyên nhân người dân không dám sản xuất lúa Hè thu trong những năm 2010-2014, nhiều lúc diện tích để hoang lên đến 750ha.

 Nhiều giải pháp phòng trừ chuột di cư được các địa phương vùng giáp ranh đưa ra, nhiều cuộc họp, vận động nông dân bám ruộng tiếp tục sản xuất lúa Hè thu nhưng dường như không có kết quả khả quan. Còn nhớ năm 2010, hợp tác xã Mỹ Lộc Thượng (An Thủy-Lệ Thủy) được coi là thành trì cuối cùng của sản xuất lúa Hè thu của 6 xã vùng giữa huyện Lệ Thủy, UBND huyện đã hỗ trợ 100% chi phí mua vật tư để làm hàng rào nilon kết hợp bẫy hố, HTX thành lập tổ diệt chuột thường xuyên túc trực để thu gom chuột, tu sửa hàng rào kịp thời. Tuy nhiên kết quả rõ nét nhất là HTX thu được hàng tấn chuột, nhưng lúa Hè thu lại gần như mất trắng do áp lực chuột quá lớn, chuột vẫn xâm nhập và gây hại. Năm 2013, HTX Hoành Vinh (An Ninh) được sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan, UBND huyện hỗ trợ chi phí làm hàng rào, tuy nhiên do triển khai làm hàng rào quá sớm nên hàng rào bị gió, gia súc làm thủng nhiều vị trí, không tu sửa kịp, nhất là trong đợt mưa đầu mùa đã làm đổ nhiều đoạn hàng rào khiến chỉ trong một đêm chuột di cư đã xâm nhập vào ruộng và sau đó 10 ngày 130ha cánh đồng lớn của HTX đã bị chuột cắn phá hoàn toàn.
Tuy nhiên, vẫn có điểm sáng thành công của mô hình sử dụng hàng rao nilon để phòng trừ chuột di cư. Đó là ở HTX Thống Nhất - xã An Ninh, trong vụ Hè thu 2013, HTX Thống Nhất cũng được hỗ trợ làm hàng rào nilon, nhưng điểm khác biệt là HTX theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, không triển khai làm hàng rào sớm, chỉ khi dự báo có mưa lớn (trước thời điểm chuột di cư) HTX mới triển khai làm hàng rào, mặt khác để giảm áp lực chuột di cư, cứ 50-100m lại bố trí một bẫy lồng để thu gom chuột. Điểm khác thứ hai là HTX bố trí hàng rào dưới ruộng, dọc theo tuyến hàng rào không gieo cấy lúa, làm sạch cỏ đường băng rộng chừng 50cm kết hợp nâng cao mực nước trên ruộng. Phát động phong trào toàn dân diệt chuột trong nội đồng đã được rào nilon. Tổ diệt chuột túc trực thường xuyên để thu gom chuột, tu sửa hàng rào kịp thời, những thửa ruộng nào lúa chín trước, HTX đồng ý cho mở hàng rào để máy vào thu hoạch, sau đó lại rào lại ngay. Nhờ áp dụng triệt để các biện pháp trên nên vụ Hè thu 2013, toàn bộ cánh đồng của HTX được bảo vệ an toàn, năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha. Phát huy những kết quả đó, từ vụ Hè thu 2013 đến nay, diện tích gieo cấy vụ Hè thu của HTX Thống Nhất luôn đảm bảo kế hoạch mặc dù nằm ngay bên vùng lúa tái sinh rộng lớn. Chúng tôi đến thăm hợp tác xã Thống Nhất vào tháng 8 năm 2014, ông Nguyễn Duy Viên cho biết qua hai năm sử dụng hàng rào nilon kết hợp bẫy lồng thu gom chuột đã bảo vệ an toàn diện tích lúa Hè thu dù HTX chủ yếu sử dụng giống HT1 là giống nếu gieo thời vụ bình thường sẽ thu hoạch vào khoảng mùng 5 đến mùng 10/9 dương lịch. Tuy nhiên giải pháp này vẫn còn tồn tại là độ an toàn chưa thực sự chắc chắn và chi phí khá cao, hàng năm bên cạnh hỗ trợ của huyện, HTX vẫn phải bổ sung trên 100 triệu đồng để duy trì các hoạt động bảo vệ đồng ruộng.


Từ thành công của HTX Thống Nhất, sau nhiều cuộc thảo luận, phân tích, Sở Nông nghiệp và PTNT và huyện Quảng Ninh thống nhất cao điểm mấu chốt để hạn chế hơn nữa tác hại chuột di cư là cần phải rút ngắn khoảng cách thời gian thu hoạch của lúa Hè thu với lúa tái sinh. Theo đó, nếu gieo cấy cả vụ Đông xuân và vụ Hè thu ở khung thời vụ sớm đồng thời kết hợp sử dụng bộ giống lúa cực ngắn ngày như SV181, PC6, P6 đột biến… các trà lúa Hè thu có thể thu hoạch sớm hơn bình thường 10-15 ngày. Cụ thể nếu gieo vào ngày 25/5-30/6 bằng các giống SV181, PC6… thời gian thu hoạch vào khoảng 17-23/8. Trên cơ sở đó, UBND huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo quyết liệt các xã Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh là những địa phương vùng giáp ranh triển khai gieo cấy đúng phương án đã thống nhất. Vụ Hè thu 2015, trên các xứ đồng Cỏ, ruộng Cạn (xã Vạn Ninh), vùng ruộng Nguyệt áng, Hữu Tân (xã Tân Ninh) lại có màu xanh của lúa Hè thu sau nhiều năm để hoang đồng ruộng, năng suất bình quân xã An Ninh đạt 57,09 tạ/ha, xã Tân Ninh đạt 50,62 tạ/ha, xã Vạn Ninh đạt 45,94 tạ/ha và lần đầu tiên diện tích gieo cấy vụ Hè thu của huyện Quảng Ninh đạt trên 3.000ha. Vụ Hè thu năm 2016, mô hình trên không những được duy trì ở huyện Quảng Ninh mà còn được huyện Lệ Thủy triển khai thí điểm ở xã Phú Thủy. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Lương- Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết, qua hai năm thực hiện (năm 2015, năm 2016) người dân đã yên tâm và tin tưởng để sản xuất lúa Hè thu trở lại. Vụ Hè thu năm 2017, xã Vạn Ninh tiếp tục gieo cấy 250ha với giống chủ lực SV181 gấp 1,6 lần diện tích gieo cấy của vụ Hè thu năm 2013.
Như vậy có thể nói bài toán nan giải về chuột di cư đã có đáp án. Việc sử dụng biện pháp canh tác như thời vụ sớm, dùng giống cực ngắn kết hợp với sử dụng hàng rào nilon, bẫy lồng gom chuột di cư đã hạn chế tối đa thiệt hại do chuột di cư gây ra, đồng thời hạn chế rủi ro do mưa lũ. Chuẩn bị bước vào sản xuất vụ Hè thu năm 2017 với điều kiện thời tiết, thủy văn được dự báo tương đối thuận lợi cho sản xuất, thành công của huyện Quảng Ninh, xã Phú Thủy (Lệ Thủy) là cơ sở vững chắc để các địa phương khác và người sản xuất cùng quyết tâm mở rộng sản xuất lúa Hè thu, từng bước giảm diện tích lúa tái sinh trên chân ruộng 2 vụ lúa, không để ruộng hoang trong vụ Hè thu.


Lý Công Toàn - Chi cục TT & Bảo vệ TV

Các tin khác