Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Giải pháp phòng chống lũ cho thành phố Đồng Hới

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Kỳ 1: Thực trạng và nguyên nhân gây ngập lụt thành phố Đồng Hới
Những năm gần đây mưa lũ có những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Lũ có chiều hướng đến sớm và cường suất cao hơn trung bình nhiều năm, điển hình năm 2007, 2010, 2013. Đặc biệt năm 2016 lượng mưa tại thành phố Đồng Hới đo được từ ngày 13/10 đến ngày 16/10 là 1.017 mm, điều đáng quan tâm là lượng mưa ngày 13/10 lên tới 742mm vượt xa lượng mưa ngày lịch sử.
Mưa lớn gây lũ lớn trên toàn bộ hệ thống sông Lệ Kỳ chảy qua địa bàn thành phố, làm ngập sâu khu vực dân cư, chia cắt các xã, phường, giao thông đi lại bị tê liệt. Trong đó mực nước trên tuyến sông Lệ Kỳ nhất là nhánh sông Phú Vinh dâng cao gây ngập sâu nhiều khu vực thuộc địa bàn các xã, phường: Đồng Sơn, Bắc Nghĩa, Nghĩa Ninh, Đức Ninh, Đức Ninh Đông. Tuyến đê sông Lệ Kỳ một số vị trí nước tràn, làm vỡ đê gây ngập lụt gần như toàn bộ khu vực các xã Đức Ninh, Nghĩa Ninh và phường Đức Ninh Đông. Thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân là rất lớn.
Nguyên nhân ngập lụt
Thứ nhất, mưa lũ những năm gần đây có chiều hướng lớn hơn trung bình nhiều năm, một số trận mưa có cường suất rất cao hơn nhiều so với mưa lũ lịch sử đã từng xảy ra. Mưa lớn, dòng chảy tập trung nhanh trên các lưu vực sông Phú Vinh, Cầu Rào. Trong khi đó các hồ chứa phải tập trung tháo lũ tối đa để đảm bảo an toàn công trình. Thành phố Đồng Hới tuy nằm gần biển nhưng lại bị ngăn bởi đồi cát cao, các cửa thoát lũ chịu tác động của lũ nguồn trên sông Nhật Lệ, Lệ Kỳ và triều cường nên khả năng tiêu thoát úng trong mùa lũ bị ảnh hưởng đáng kể.
Thứ hai, do tính chất cực đoan nên một số đợt mưa lũ cao hơn so với dự báo thời tiết (theo dự báo đợt mưa từ ngày 13/10 đến 16/10/2017 khoảng từ 300 - 500mm nhưng thực tế mưa trong đợt này lên đến 1.017mm) đã ảnh hưởng đáng kể đến công tác vận hành phòng lũ cho các hồ chứa. Để giảm thiểu ngập lụt cho hạ du các hồ chứa trong vận hành tháo lũ hồ chứa có thể sử dụng phương án xả sớm nước hồ chứa, tăng dung tích phòng lũ để đón lũ.

Ngập lụt trên địa bàn thành phố Đồng Hới đợt mưa lũ ngày 14/10/2016


Thứ ba, việc lấn chiếm lòng dẫn Lệ Kỳ để nuôi trồng thủy sản, xây dựng một số công trình bán kiên cố, lấn chiếm vùng bãi sông; xây dựng trang trại, gia trại trong lòng dẫn, các công trình phụ trợ phục vụ thi công tuyến đường tránh thành phố Đồng Hới (đê quai, đường tạm thi công) không tháo dỡ, thu dọn sau khi thi công làm thu hẹp lòng dẫn làm mực nước sông dâng cao gây vỡ đê.
Thứ tư, việc khai thác bậc thang của các đập dâng đã ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của lòng dẫn trong khi hệ thống đê điều chưa đảm bảo cao trình chống lũ; công tác vận hành tháo lũ hồ Phú Vinh, Troóc Trâu chỉ đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối, chưa đảm bảo an toàn ngập lụt vùng hạ du.
Thứ năm, đê sông Lệ Kỳ chỉ bảo đảm chống lũ tiểu mãn, lũ sớm tần suất 10% phục vụ sản xuất, không chống được lũ chính vụ; hệ thống đê sông Lệ Kỳ xuống cấp, sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn rất cao.
Thứ sáu, hệ thống công trình thủy lợi trên lưu vực sông thiếu đồng bộ do đầu tư qua nhiều thời kỳ; quy hoạch thủy lợi chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố Đồng Hới; sự bất cập, thiếu gắn kết giữa các quy hoạch ngành, lĩnh vực dẫn đến quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng lũ chủ yếu giải quyết tiêu thoát úng cho nông nghiệp, không đáp ứng được đòi hỏi của thực tế hiện nay cho việc chống ngập cho đô thị.
Việc đánh giá một cách khách quan thực trạng, nguyên nhân ngập lụt sẽ làm cơ sở để đưa ra các giải pháp thích hợp nhằm phòng, chống lũ lụt cho thành phố Đồng Hới một cách có hiệu quả, đảm bảo an toàn, ứng phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.


Nguyễn Thành Long - Chi cục Thủy lợi

 

Các tin khác