Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Lấy chất lượng con giống làm mục tiêu phát triển

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Trung tâm Giống vật nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình, có nhiệm vụ nuôi giữ giống lợn ngoại cấp ông bà để sản xuất ra lợn cái hậu bị, đực hậu bị “cấp bố mẹ”; làm nền để tạo ra lợn giống nuôi thịt thương phẩm chất lượng phục vụ phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời còn là đầu mối sản xuất các giống bò thịt ngoại và gia cầm chất lượng, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong chăn nuôi và góp phần thúc đẩy ứng dụng những kỹ thuật - công nghệ mới vào sản xuất.

 Có thể nói, khu sản xuất của Trung tâm Giống vật nuôi ở phía tây thôn Phương Hạ, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, nơi lồ lộ những dãy chuồng xây mới lẫn giữa màu xanh ngút ngát của giống cỏ cao sản được trồng làm thức ăn chăn nuôi bò, đang làm sống lại vùng đất Trại lợn giống Cấp I Phương Hạ của tỉnh đã một thời hoang vắng. Điều làm chúng tôi tâm đắc không chỉ có cảnh quan bên ngoài mà là sự tươi mới đang trỗi dậy của một tập thể trẻ trung, năng động đang từng ngày đổi mới trên lĩnh vực khoa học thực tiễn. Để rồi từ đó tạo ra các thế hệ giống vật nuôi chất lượng, lan tỏa đến từng hộ gia đình, các trang trại, gia trại, giúp họ xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu trong thời kỳ kinh tế hội nhập của đất nước. Hiện Trung tâm Giống vật nuôi Quảng Bình có 120 nái ngoại France Hybrides (FH) giống cao sản của Cộng hòa Pháp và lợn đực giống PI4, Maxter16. Theo kế hoạch, mỗi năm cung ứng ra thị trường 500 lợn cái, đực hậu bị và từ 1.000-1.600 con lợn giống nuôi thịt thương phẩm phục vụ chăn nuôi. Để khai thác có hiệu quả và bảo vệ giống lợn đực quý này, khâu phối giống được thực hiện bằng thụ tinh nhân tạo (TTNT); công nghệ pha chế, bảo quản tinh dịch, lọ đựng tinh và dụng cụ dẫn tinh đều đã được đơn vị cải tiến. Lọ đựng tinh bằng thủy tinh đã được thay bằng ống tuýp nhựa có đầu bịt kín, có thể bảo quản tinh trong thời gian 72h (trước đây chỉ bảo quản khoảng 6-9h); sẵn có tinh, lợn động dục là có thể phối giống, không phải đợi sang ngày sau như trước; dụng cụ dẫn tinh dạng ống thường dùng nay cũng được thay thế bằng dạng xoắn, mềm và nhạy cảm. Tinh lợn ngoại của Trung tâm sản xuất ra không chỉ phục vụ phối giống nội bộ mà còn cung ứng cho các hộ chăn nuôi lợn nái trên địa bàn bất kì giờ nào trong ngày. Từ công nhân chăn nuôi đến các kỹ sư, thạc sĩ đều nắm được kỹ thuật lấy tinh, pha chế tinh và TTNT nhuần nhuyễn thay nhau thực hiện hàng ngày. Nhờ cải tiến kỹ thuật - công nghệ chăn nuôi, tỷ lệ phối giống lợn đạt cao từ 92-95%, mỗi tháng đàn lợn nái có 16-21 con đẻ, số lợn con đẻ ra nuôi sống tăng từ 9 lên 11 con/ổ; trọng lượng cai sữa 21-23 ngày tuổi đạt bình quân 6,5 kg/con. Nhờ đó, dù tổng đàn nái không tăng nhưng số lợn giống đẻ ra vẫn tăng, mỗi tháng có từ 160-200 đực cái hậu bị và lợn giống nuôi thịt thương phẩm xuất chuồng đáp ứng nhu cầu của khách hàng các địa phương trên địa bàn Quảng Bình và Hà Tỉnh. Trong chăn nuôi bò, hiện Trung tâm có đàn bò giống trên 100 con (bò lai và bò ngoại), trong đó có 70 con bò cái nền giống Zêbu; đơn vị đang cho phối thí điểm tinh bò nhập ngoại từ Mỹ với các giống Bratman đỏ, trắng và bò BBB để lấy kết quả so sánh, định hướng sản xuất. Hiện đã có một số bê Bratsman ra đời, trọng lượng sơ sinh đạt 25-28 kg/con, bê lai 4 tháng tuổi bán được giá 13-14 triệu đồng/con; được các trang trại và hộ chăn nuôi bò trong tỉnh ưa chuộng đặt mua. Song song với phát triển chăn nuôi lợn bò, Trung tâm đang triển khai xây dựng chuồng nuôi gia cầm quy mô 3.500 gà mái ri lai sinh sản, dự kiếm sản xuất 45-50 ngàn con/năm, theo hướng sản xuất đón đầu nhu cầu thị trường.
Ông Hoàng Lương, Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tâm sự: “Trong chăn nuôi, muốn sản xuất bền vững phải quan tâm công tác phòng dịch, ngoài việc mua con giống có nguồn gốc, thường xuyên vệ sinh, tẩy trùng, đơn vị đã sử dụng 6 loại Vacscin phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi (trước đây thường chỉ dùng 3 loại). Lãnh đạo thường xuyên thay nhau bám sát chuồng nuôi để đôn đốc chỉ đạo và giải quyết kịp thời những bất trắc trong sản xuất. Bên cạnh đó là việc thay đổi tầm nhìn, tích cực tìm hiểu, nắm bắt những tiến bộ kỹ thuật mới để vận dụng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao trình độ chuyên môn cho CBCNV. Ngoài ra Trung tâm còn thực hiện một số đề tài khoa học trong chăn nuôi do Sở Khoa học - Công nghệ làm chủ đầu tư; phối hợp với các chương trình dự án, tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ con giống cho đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông thôn…


Hoàng Thu