Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Vai trò của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai trong đảm bảo an toàn cho người dân trong lũ

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Những năm vừa qua, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai trên thế giới cũng như trong khu vực đã và đang diễn ra ngày càng cực đoan, khó lường. Để ứng phó với thiên tai, ở nhiều quốc gia, lực lượng PCTT tại chỗ đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm thiên tai mới xảy ra, đây là lực lượng phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp trước khi có lực lượng bên ngoài tiếp cận.

 Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu với sự xuất hiện của hầu hết các loại hình thiên tai trên khắp các vùng miền trong cả nước. Trong đó, Quảng Bình là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai trên toàn quốc. Thiên tai gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế - xã hội, môi trường và là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của tỉnh nhà, có những năm thiệt hại do thiên tai còn lớn hơn cả thu ngân sách của tỉnh vào năm đó. Để triển khai công tác phòng chống thiên tai, ngoài lực lượng của chính quyền các cấp thì phương châm “4 tại chỗ” đã được nhiều địa phương thực hiện và phát huy hiệu quả. Hiện nay, trên cả nước đã có khoảng 75% xã hình thành lực lượng xung kích PCTT, riêng Quảng Bình đến nay đã có 91/130 xã đã xây dựng Đội xung kích, đạt 70% (trong đó: Bố Trạch 24/25, Quảng Trạch 4/17, Lệ Thủy 2/24, Ba Đồn 10/10, Minh Hóa 15/15, Đồng Hới 6/6, Tuyên Hóa 18/18, Quảng Ninh 12/15), với lực lượng gần 3.990 người. Tuy nhiên, lực lượng này hiện còn thiếu sự thống nhất về cơ cấu tổ chức, trang thiết bị làm việc và cơ chế, chính sách nên gặp khó khăn khi triển khai nhiệm vụ, nhiều nơi hoạt động còn mang nặng tính hình thức.
Để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã chủ động triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "bốn tại chỗ" và “ba sẵn sàng”; đồng thời phát huy vai trò, nhiệm vụ của đội xung kích trong hoạt động phòng, chống thiên tai tại các xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong đó, 4 “tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ. 3 “sẵn sàng” là: chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương có hiệu quả. Trong đó chú trọng xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, bản, tiểu khu là lực lượng chủ chốt tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương, đặc biệt những địa phương bị chia cắt. Trên cơ sở đó, hàng năm UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã kiện toàn đội xung kích cấp xã, thị trấn với lực lượng nòng cốt là Công an; Dân phòng; Chữ thập đỏ; Đoàn thanh niên; Hội Cựu chiến binh; Hội Phụ nữ; Hội Nông dân; một số công chức chuyên môn ở xã như: địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, công chức văn phòng - thống kê, công chức văn hóa - xã hội, y tế, v.v.
Các đội xung kích trong hoạt động phòng chống thiên tai, tại các xã, thị trấn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong các năm qua đã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, hỗ trợ tích cực cho chính quyền địa phương và người dân trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai, rõ nét nhất là đợt lũ lịch sử tháng 10/2020. Lực lượng xung kích từ nhân dân mà ra, sống tại địa phương, hiểu dân và thông thuộc địa hình, xác định cụ thể các điểm xung yếu tại địa phương, theo đó lực lượng xung kích chủ động hơn trong các hoạt động của mình. Các đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đã hỗ trợ và triển khai sơ tán khẩn cấp người dân tại các khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất, người bị mắc kẹt trên nương rẫy, bãi sông, suối, những nơi bị ngập lụt, chia cắt, cô lập đến nơi an toàn; tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa kịp thời người bị thương, vùi lấp, mắc kẹt, lũ cuốn; báo hiệu, canh gác, hướng dẫn tại các ngầm tràn, những nơi bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt để đảm bảo an toàn cho học sinh, người tham gia giao thông. Hỗ trợ sửa chữa nhà hư hỏng, dựng nhà tạm, nhanh chóng ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng do thiên tai...
Có thể nói nhờ có hoạt động hiệu quả của các đội xung kích phòng chống thiên tai tại các xã, thị trấn mà các thiệt hại về thiên tai trong đợt lũ lịch sử tháng 10/2020 trên địa bàn tỉnh đã được giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của, cũng như khi có những thiệt hại thì được khắc phục kịp thời giúp người dân vùng bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống.


Đinh Khánh Hậu
(Chi cục Thủy lợi)

Các tin khác