Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Hội Nông dân các cấp phát huy vai trò bảo vệ và phát triển rừng

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Nhận thức rõ về vị trí, tầm quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hội viên tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Bằng những biện pháp cụ thể, phong trào trồng cây, trồng rừng của nông dân toàn tỉnh đã góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân và tạo động lực để kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững.

 Quảng Bình có tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp trên 641.000 ha, chiếm gần 80% so với diện tích đất tự nhiên. Năm 1999, độ che phủ rừng của tỉnh chỉ gần 48% thì năm 2015 này đã nâng lên 67%, đứng thứ nhì toàn quốc, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ đầu nguồn, điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, hạn chế thiên tai lũ lụt. Nhận thức được điều này, HND ngày càng phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động các cấp hội và hội viên nông dân tham gia quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên rừng và trồng rừng mới.
Xác định bà con đồng bào dân tộc là chủ nhân tích cực tham gia bảo vệ và quản lý tốt rừng tự nhiên hiện có, HND đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đồng bào dân tộc không đốt nương làm rẫy, đồng thời, từng bước nâng cao đời sống và dân trí cho đồng bào dân tộc. Hội đã tích cực xây dựng các mô hình, điển hình nông dân trồng rừng tốt, quản lý, bảo vệ rừng giỏi ở địa phương. Những năm qua, trong phong trào trồng cây, trồng rừng, đã xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương sáng, đem lại giá trị hiệu quả kinh tế cao được các cấp uỷ đảng và chính quyền ghi nhận, biểu dương. Nhờ những lợi ích đem lại nên phong trào trồng cây, trồng rừng đã được đông đảo hội viên nông dân trong tỉnh tham gia hưởng ứng tích cực.
Năm 1996, khi đất đai hoang hóa, đất trống đồi trọc ở Quảng Thạch còn nhiều, anh Phan Xuân Lợi, hội viên HND xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch đã quyết định nhận 3ha đất và vay vốn đầu tư để trồng rừng. Sau hơn 20 năm trồng và chăm sóc, đến nay gia đình anh có trong tay 20ha rừng keo lai, bình quân mỗi năm thu về từ 100-120 triệu đồng. Nhờ nguồn thu từ rừng trồng đã nuôi 4 người con ăn học, tốt nghiệp đại học và cao đẳng, gia đình có của ăn của để. Đồng thời với việc chăm sóc, thu hoạch số diện tích trên, năm nay, gia đình anh đã nhận thêm 4,5ha đất rừng, hiện đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để tiếp tục phủ xanh đồi trọc, làm giàu cho gia đình, quê hương.
Việc chủ động tái sinh rừng dẻ ở xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch cũng là câu chuyện đầy ý nghĩa, đầy niềm vui mà nhiều người muốn nhắc đến. Với con số ít ỏi 540ha đất sản xuất nông nghiệp, 6.200 nhân khẩu của xã vốn đã quen sống dựa vào rừng và đất rừng; 25 năm trước, Quảng Lưu chỉ toàn đồi trọc bởi người dân phá rừng lấy đất trẩy lúa, trẩy ngô và ít ai biết rằng, khi mất rừng thì mùa màng của họ cũng thất bát do lũ quét, hạn hán triền miên. Trước tình hình đó, năm 1990, xã ra quyết sách đóng cửa rừng, không cho người dân vào làm nương rẫy nữa, đồng thời cấm đào phá cả những gốc cây còn sót lại, quyết tái sinh rừng dẻ.
Ông Biền Ngân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu cho biết: “Chủ trương đóng cửa rừng lúc đầu một bộ phận người dân chưa hiểu ra nên không đồng tình, nhưng khi thấy được lợi ích từ rừng mang lại thì được toàn dân hoan nghênh”. Hiểu được quy luật nhận-cho, vay-trả, người dân Quảng Lưu sau khi nhận thấy giá trị của rừng dẻ đã miệt mài bảo vệ, gây dựng lại từng gốc cây. Và khi cây đã lại thành rừng, xanh bát ngát, cây trả cho họ bằng chính “quả ngọt” của mình. Hạt dẻ trở thành sản phẩm đem lại nguồn thu nhập cho bà con nông dân Quảng Lưu và các xã lân cận. Một người trung bình nhặt được vài tạ hạt/năm, kiếm khoảng năm, bảy triệu đồng, là nguồn thu khá so với làm nông nghiệp ở một xã ít ruộng đất. Rừng dẻ là rừng phòng hộ đồng thời cũng là rừng quân sự, HND xã đã tích cực vận động hội viên trồng thêm rừng kinh tế. Đến nay, toàn xã đã có 500 hộ trồng rừng với diện tích 1.155ha. Đời sống của người dân nói chung và hội viên nông dân nhờ đó được nâng lên đáng kể.
Thời gian tới, HND các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân địa phương về giá trị của rừng đối với việc phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho gia đình hội viên, đồng thời thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái đối với đời sống con người. Từ đó mọi người, mọi nhà tích cực, quan tâm đến bảo vệ môi trường, làm cho phong trào trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trở thành phong trào hoạt động thường xuyên của hội.


Đặng Văn Huế

Các tin khác