Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Xây dựng Kế hoạch hành động "Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng Các - bon rừng" (PRAP) tỉnh Quảng Bình

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Ngày 25/4/2016, Kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng” tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2016-2020 (PRAP tỉnh Quảng Bình) được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-UBND.

 REDD+ là một trong những giải pháp quan trọng hiện nay nhằm giải quyết những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu thông qua giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng, suy thoái rừng, tăng cường trữ lượng các bon rừng, bảo tồn trữ lượng các bon rừng và quản lý rừng bền vững. Đây là sáng kiến mới, là một trong những nội dung đàm phán quan trọng trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nếu thực hiện các hoạt động REDD+ thành công sẽ đem lại nguồn thu từ việc bán tín chỉ các-bon, hỗ trợ rất lớn vào ngân sách hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện kinh tế. Có thể nói, việc thực hiện REDD+ như một mũi tên trúng nhiều đích.
Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh PRAP được xây dựng nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng, suy thoái rừng, tăng cường trữ lượng các-bon rừng, bảo tồn trữ lượng các bon rừng và quản lý rừng bền vững. Trên cơ sở xác định các nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng cũng như những rào cản, thách thức trong việc nâng cao chất lượng rừng, PRAP tỉnh Quảng Bình sẽ được tập trung thực hiện tại 19 xã ưu tiên thuộc 6 huyện theo kết quả phân tích không gian và tham vấn các bên liên quan tại tỉnh và khảo sát hiện trường.
PRAP tỉnh Quảng Bình được xác định thực hiện trong thời gian từ ngày 01/4/2016 đến ngày 31/12/2020. Quá trình triển khai PRAP được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 2016-2017 chuẩn bị sẵn sàng thực thi REDD+, thí điểm thực hiện mô hình hoạt động dự án REDD+ và nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người dân địa phương; giai đoạn 2018-2020 hoàn thiện về cơ chế, chính sách, cơ cấu tổ chức và năng lực kỹ thuật nhằm đảm bảo phối hợp, quản lý, vận hành các dự án và các hoạt động một cách hiệu quả theo đúng thiết kế của bản Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh; triển khai các hoạt động REDD+ lồng ghép trong thực hiện kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2015-2020 nhằm phát triển rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng hóa và cải thiện sinh kế cho các chủ rừng và người dân. Tổng kinh phí từ các nguồn là 429.201.895.000 đồng.
Với mục tiêu như trên, ba gói can thiệp đã được đưa ra bao gồm: các hoạt động liên quan đến quản lý rừng, các hoạt động liên quan đến xã hội và Môi trường và các vấn đề liên quan đến quản lý.
Cụ thể, quản lý rừng bao gồm các gói can thiệp: (1) Tăng cường các biện pháp làm giàu rừng bằng các loài cây bản địa; (2) Phát triển lâm sản ngoài gỗ, (3) Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, (4) ;Hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ, phát triển rừng cho các tổ chức, (5) Xây dựng vườn ươm cây giống đảm bảo chất lượng; (6) Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh cung cấp gỗ lớn; (7) Xây dựng chuỗi liên kết đầu tư - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, (8) Xây dựng và thực hiện phương án Quản lý rừng bền vững.
Các hành động liên quan đến xã hội và môi trường bao gồm các gói can thiệp: (9) Hoàn thiện việc giao đất gắn với giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; (10) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thí điểm chính sách hưởng lợi từ rừng tự nhiên đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng được giao rừng; (11) Ổn định quy hoạch và nâng cao hiệu quả công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp được giao cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; (12) Xây dựng và phát triển quỹ tín dụng nông nghiệp thôn/xóm/bản (quỹ tín dụng cộng đồng); (13) Tăng năng suất cây trồng và đa dạng hóa các sản phẩm từ vườn rừng nhằm cải thiện kinh tế hộ.
Các vấn đề quản lý bao gồm các gói can thiệp: (14) Nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ rừng cho các chủ rừng và Tổ đội BVR của xã; (15) Hỗ trợ đầu tư trang phục, trang thiết bị cho lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng, kiểm lâm, tổ đội bảo vệ rừng cấp xã, cộng đồng; (16) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng cho người dân và cộng đồng địa phương; (17) Tăng cường giải pháp thực hiện tốt quy chế phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng tại cấp cơ sở.
PRAP Quảng Bình cũng đã xác định vai trò cụ thể của các cơ quan có liên quan trong tỉnh: Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Nhân dân cấp huyện và các sở ban ngành khác. Trong đó, Sở Nông nghiệp & PTNT là cơ quan thường trực thực hiện Kế hoạch hành động REDD+ của tỉnh, dưới sự điều hành của Ban chỉ đạo REDD+ tỉnh.
Quảng Bình là tỉnh có tiềm năng lớn về lâm nghiệp với độ che phủ đạt 67.6%. Ngay sau khi Việt Nam tham gia sáng kiến REDD+, tỉnh đã sớm nhận thức được tiềm năng mà REDD+ mang lại và đã chủ động tiếp cận và thực hiện tốt các hoạt động REDD+ trên địa bàn. Trong thời gian từ năm 2012-2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như các dự án (dự án GIZ, dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” tỉnh Quảng Bình) triển khai nhiều hoạt động thực hiện sẵn sàng REDD+: Tăng cường phổ biến tuyên truyền kiến thức về REDD+ và nâng cao năng lực các cấp, các ngành và người dân chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+; thiết lập các cơ chế chính sách phù hợp để chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ như thành lập Ban chỉ đạo sáng kiến REDD+ tỉnh, tổ Theo dõi Diễn biến rừng; bước đầu chuẩn bị các công tác kỹ thuật... Việc phê duyệt PRAP rất có ý nghĩa với tỉnh Quảng Bình, giúp tỉnh có điều kiện quản lý tài nguyên rừng theo hướng bền vững, bảo tồn tính đa dạng sinh học cũng như cải thiện sinh kế của người dân sống chủ yếu dựa vào rừng trên các lâm phần trong tỉnh. Đây cũng là cột mốc quan trọng nhằm vạch ra hướng đi trong việc thực hiện REDD+ của tỉnh, cũng như lồng ghép REDD+ trọng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Lê Vũ Khánh Hòa