Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

FCPF: Hội thảo Quốc gia về R-Package

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Hà Nội, ngày 30/06/2016 – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội thảo quốc gia Đánh giá mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam.

 Hội thảo do Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Bộ Nông nghiệp & PTNT chủ trì với sự tham dự của các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về REDD+, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại Giao, Bộ Khoa học Công nghệ, Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Na Uy, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, cùng 16 tỉnh tham gia thực hiện REDD+.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn chủ trì hội thảo quốc gia

Báo cáo Đánh giá mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam là kết quả của quá trình tự đánh giá của các bên liên quan theo “Khung hướng dẫn đánh giá mức độ chuẩn bị sẵn sàng” của Quỹ đối tác các bon trong Lâm nghiệp (FCPF) ban hành tháng 6 năm 2013.
Quá trình tự đánh giá được thực hiện từ tháng 8 năm 2015 đến tháng 7 năm 2016 thông qua hàng loạt các đợt tham vấn từ cấp cộng đồng đến cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia. Do đó, báo cáo này là sản phẩm của sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tổ chức, cơ quan nhà nước cấp trung ương và địa phương, các thành viên mạng lưới REDD+ quốc gia, các chương trình, dự án về REDD+, các ban quản lý rừng và doanh nghiệp lâm nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội trong nước, các cộng đồng người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống trong và gần rừng, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác.
Tại hội thảo, đa phần các ý kiến đều đánh giá cao sự nỗ lực xây dựng báo cáo của các chuyên gia tư vấn, các cơ quan trung ương và địa phương, đồng thời đưa ra các ý kiến để hoàn thiện báo cáo cũng như cải thiện mức độ sẵn sàng của các tiêu chí trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc gia R-Package


Bà Nguyễn Thị Thu Lan – đại diện Ngân hàng Thế giới đánh giá cao sự nỗ lực từ phía trung ương và địa phương trong việc xây dựng báo cáo. Theo bà Lan, có ba vấn đề cần xem xét, đó là: Cần tính đến các nguồn lực tiếp theo để cải thiện mức độ sẵn sàng đối với các tiêu chí chưa đạt và nguồn lực để duy trì các tiêu chí đã đạt được nhiều bước tiến; cần quan tâm tới sự phối hợp liên ngành, đa ngành khi thực hiện các đề xuất cải thiện, các đề xuất cần được cụ thể hóa hơn để trả lời được câu hỏi cần làm như thế nào.
Ông Eirik Brun Solie - Tham tán, Đại sứ quán Nauy đánh giá cao quá trình tham vấn rộng rãi các bên liên quan từ cộng đồng người dân địa phương tới cấp quốc gia trong quá trình xây dựng báo cáo. Theo ông, các ý kiến đóng góp cần được tổng hợp lại để đưa ra kế hoạch hành động tiếp theo.
Kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cám ơn sự hỗ trợ và hợp tác của chính phủ Na Uy, Đức, Nhật, Ngân hàng Thế giới và vai trò điều phối rất quan trọng của Liên hiệp quốc và các cơ quan liên quan. Thứ trưởng khẳng định REDD+ là một vấn đề mới về nhận thức, lý luận và mang tính thí điểm nên cần có quyết tâm và kiên trì nhưng không nóng vội. Chính phủ sẽ cùng các chương trình tiếp tục tổng kết, đánh giá để nhân rộng các mô hình thí điểm để sau năm 2020 có thể thực thi toàn diện REDD+ tại Việt Nam.
Thứ trưởng đề nghị Văn phòng REDD+ Việt Nam tham mưu cho Tổng cục Lâm nghiệp cùng các cơ quan liên quan đưa ra kế hoạch cụ thể hơn để hoàn thiện lộ trình chuẩn bị sẵn sàng REDD+ tại Việt Nam, lưu ý tiếp thu đầy đủ các đề xuất của các tư vấn, tiếp tục hoàn thiện và ban hành các Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh, điều chỉnh và hoàn thiện đường phát thải tham chiếu, hoàn thiện Hệ thống theo dõi rừng và Hệ thống đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị bổ sung vào chương trình việc thực hiện FLEGT theo quy định 995 của Liên minh Châu Âu, và lồng ghép vào chương trình kiểm soát để đảm bảo an toàn không chỉ cho Việt Nam mà còn hỗ trợ các quốc gia trong khu vực.
Sau Hội thảo, các ý kiến tham luận, phản biện sẽ được tập hợp để hoàn chỉnh báo cáo R-Package. Dự kiến Việt Nam sẽ gửi báo cáo tới FCPF vào tháng 07/2016 và thuyết trình bảo vệ tại Cuộc họp các nước thành viên lần thứ 22 của FCPF vào tháng 09/2016.


Tin và ảnh : Nguyễn Thị Lê Trang
 

Các tin khác