Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò và một số biện pháp phòng, điều trị bệnh

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Bệnh Viêm da nổi cục hay còn gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò; vi rút không gây bệnh trên người. Côn trùng chân đốt như muỗi, ruồi, ve... được xem là véc tơ truyền bệnh. Một số động vật bị bệnh không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, nhưng mang vi rút trong máu và có thể truyền bệnh cho động vật khỏe thông qua côn trùng hút máu.

 Các triệu chứng thường gặp: sốt cao, có thể trên 410C; suy nhược, bỏ ăn, hốc hác; giảm năng suất sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt; hình thành các nốt sần có đường kính từ 2-5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục; các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao; các nốt lớn có thể bị hoại tử rồi xơ hóa, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn; các mục nước, vết hoại tử và vết loét có màng nhầy có thể xuất hiện ở miệng, đường tiêu hóa, khí quản và phổi. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày.
Qua thực tế cho thấy, bệnh VDNC có tỷ lệ chết cao do trâu bò mắc bệnh VDNC thường kế phát một số bệnh như hô hấp, tiêu hóa, ký sinh trùng đường máu…hoặc do không được chăm sóc, điều trị theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Để chủ động phòng chống bệnh thì việc tiêm phòng vắc xin cho trâu bò là yếu tố cần thiết, quan trọng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra. Đây là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn công tác phòng, chống dịch và đưa ra phác đồ khuyến cáo chữa trị nhiễm trùng và các bệnh kế phát, như sau:
1. Khi chưa có dịch bệnh
- Chủ động mua, tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn trâu bò trong trường hợp trâu bò đã tiêm phòng nhưng hết thời gian bảo hộ miễn dịch (sau 12 tháng kể từ lần tiêm cuối) hoặc trâu bò mới phát sinh nhưng chưa được tiêm phòng.
- Tiêm vắc xin phòng một số bệnh cho đàn trâu bò như Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng trâu bò, Ung khí thán (nếu địa phương xảy ra dịch trong vòng 12 tháng trở lại), nội ký sinh trùng...
- Không mua trâu bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh hoặc trâu bò từ các địa phương đang xảy ra dịch bệnh; trường hợp mua trâu bò từ vùng khác về cần cách ly theo dõi ít nhất 21 ngày trước khi cho nhập đàn.
2. Khi có dịch bệnh
- Thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng liên tục 03 ngày 01 lần trong vòng 03 tuần tại các hộ, cơ sở chăn nuôi có trâu bò bị bệnh, nghi bị bệnh VDNC. Đồng thời, vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng 01 lần/tuần trong 03 tuần đối với toàn bộ khu vực nguy cơ cao thuộc địa bàn cấp xã có trâu bò bị bệnh VDNC.
- Đối với trâu bò chưa mắc bệnh: tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC; theo dõi, giám sát thường xuyên sức khỏe của đàn trâu bò để kịp thời báo cáo chính quyền địa phương, cán bộ thú y khi nghi ngờ trâu bò mắc bệnh.
- Đối với trâu bò mắc bệnh: tập trung chữa trị bệnh và các bệnh kế phát theo hướng dẫn của cán bộ thú y (đối với bê nghé cần đảm bảo đủ ấm, bơm thức ăn như sữa, cháo gạo loãng, trở tư thế cho con vật thường xuyên để tránh chướng hơi dạ cỏ).
3. Phác đồ chữa trị khi trâu bò mắc bệnh
* Khi trâu bò sốt cao, mệt mỏi, ăn ít
- Dùng thuốc hạ sốt: Anagin C, Paracetamol, Diclofenac…
-Dùng thuốc trợ sức, trợ lực, thuốc bổ: Vitamin ADE, B-complex, VitaminC, Catosal, Gluco C…
- Dùng nước giã ra từ các loại cây có tính làm mát, giải độc gan như: cây đồng điếu, cây mã đề, cây rau má, cây rau sam, râu ngô, cây chặt chiều, me đất…
- Truyền dung dịch cho trâu bò, cụ thể:
+ Nhóm cung cấp dưỡng chất cho cơ thể (glucose các loại 5%, 10%, và các dung dịch chứa vitamin, chất đạm)
+ Nhóm cung cấp nước và các chất điện giải (dung dịch natri clorua 0.9%, lactate ringer...) dùng cho con vật bị mất nước, mất máu khi bị tiêu chảy ói mửa, ngộ độc.
* Khi trâu bò có các nốt sần bị vở, hoại tử
- Vết loét thông thường: Dùng HanIodine, Xanhmethylen…để rửa vết loét (không sử xanhmethylen ở vùng mặt, miệng trâu bò). Có thể dùng lá cây có chất chua hoặc chát nấu để rửa vết loét.
- Vết loét có dòi: Sử dụng dung dịch Rivanol 0,5% hay dùng oxy già vào vết thương rồi lấy hết những phần bị hoại tử, dịch mủ ra ngoài. Tiêm kháng sinh Ampicillin, Streptomycin… để đề phòng nhiễm trùng.
* Khi trâu bò bị phù thủng dưới da, đặc biệt ở hầu, yếm
- Dùng thuốc trị ký sinh trùng (KST) đường máu: Azidin, Tryphazen… (không dùng cho gia súc mang thai, trước khi tiêm thuốc KST đường máu phải tiêm Cafein, long não nước cho trâu bò).
- Dùng thuốc bổ thận như Sorbitol, Methionin…
- Dùng thuốc lợi tiểu như Urotropin, Furosemide…
-Dùng thuốc kháng viêm, chống phù nề như Dexamethasone, Ketoprofen, Chymotrypsin…
* Khi trâu bò viêm đường hô hấp (nước mũi xanh, khó thở)
- Dùng nước muối sinh lý súc rửa mũi hàng ngày cho trâu bò.
- Dùng thuốc tiêu đờm như Bromhexin…
-Dùng thuốc kháng sinh điều trị đường hô hấp như: Cefotaxim, Ceftiofur, Amoxcillin…
* Khi trâu bò đi ngoài có phân lẫn máu (phân có màu đen)
- Dùng thuốc cầm máu như Vitamin K, Trasamin, Sandostatin…
-Dùng thuốc kháng sinh điều trị đường tiêu hóa như Thiamphenicol, Enrofloxacin/Flofenicol…
* Khi trâu bò sưng các khớp ở chân, đi lại khó khăn
- Dùng thuốc chống viêm như: Dexamethasone, Diclofenac, Ketoprofen, Fluximin (Trâu bò mang thai không nên dùng Dexamethasone, Ketoprofen)
- Dùng kháng sinh như Penicillin, Ampicillin, Kanamycin…

Vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại

Hồng Kỳ
Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Các tin khác