Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Đa dạng mô hình sinh kế khuyến nông

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Biến đổi khí hậu đã và đang khiến thiên tai và thời tiết ngày càng cực đoan, gây tổn hại nhiều vùng đất và đe dọa đến đời sống của người dân. Để giải “bài toán” sinh kế đảm bảo yêu cầu thích ứng và giảm thiểu rui ro thiên tai cho người dân tại cộng đồng, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm tạo sinh kế ôn định và lâu dài cho người dân. Đặc biệt, việc đa dạng các mô hình sinh kế theo hướng bền vững, hiệu quả được xem là “chìa khóa” giúp cho người dân từng bước thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng.

Đối với bà con nông dân nằm trong vùng có nhiều yếu tố bất lợi về rủi ro thiên tai, nhu cầu ổn định về sinh kế là yếu tố quan trọng. Trên cơ sở đánh giá nhu cầu của bà con, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng địa phương, từ đó xác định đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực tạo sinh kế bền vững, ổn định, có giá trị; đồng thời thích ứng với yêu cầu biến đổi khí hậu tại địa phương. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi và khai thác, nuôi trồng thủy sản… được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư hỗ trợ thực hiện thời gian qua đã được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, tính ổn định và phát triển bền vững trong thời gian tiếp theo.

          Sau cơn lũ lịch sử năm 2020, vùng đồng Hà Mầu thuộc thôn Khương Hà 3, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch bị đất đỏ bồi lắng với độ dày trên 1 mét khiến bà con lo lắng không yên vì không thể trồng được loại cây trồng gì. Được sự hỗ trợ của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch vận động người dân thực hiện mô hình trồng bí ngô trên vùng đất bồi lắng với diện tích 1ha. Cùng với việc hỗ trợ về giống, Trung tâm còn cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp bám đồng ruộng với bà con để hướng dẫn kỹ thuật từ các khâu đào hố, trộn giá thể, gieo hạt, phòng trừ sâu bệnh cho đến tổ chức tiêu thụ bí ngọn, bí quả cho bà con. Mô hình đạt sản lượng và năng suất bí ngọn, bí quả đạt cao trên 8,5 tấn/ha, tạo được nguồn thu nhập cho người dân; đồng thời góp phần cải tạo được kết cấu đất để tiếp tục sản xuất cho các vụ tiếp theo.

          Tại các vùng chiêm trũng của huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch… trước đây trồng lúa một vụ bấp bênh, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư đã triển khai thực hiện hỗ trợ bà con thực hiện mô hình chuyển đổi sang trồng sen với diện tích 14 ha. So với cây lúa, cây sen đã đáp ứng được yêu cầu thích ứng với điều kiện thấp trũng của các vùng ruộng, sen sinh trưởng phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 3-3,2 tấn/ha, trừ chi phí cho lãi 40-50 triệu đồng/ha, cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa. Cây sen trồng một lần cho thu hoạch 3-4 năm, thị trường tiêu thụ ổn định nên bà con cũng rất mặn mà với mô hình chuyển đổi này. Đặc biệt, nhiều bà con ở vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh còn thực hiện trồng sen với nuôi xen ghép với một số giống cá ruộng để tăng hiệu quả kinh tế.

          Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu của địa phương. Tại các vùng đất nhiễm mặn của huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn, Trung tâm hỗ trợ bà con trồng cây dừa xiêm, bước đầu cây sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất nhiễm mặn và ngập lũ, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cho bà con. Trung tâm còn hỗ trợ các địa phương trong tỉnh xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP trong nhà lưới, từ năm 2017 đến nay đã hỗ trợ được 26 nhà lưới trồng rau với tổng diện tích gần 28.800m2. Các nhà lưới đã đã áp dụng thêm các công nghệ theo dõi, tưới tiêu chủ động vào sản xuất dưa lưới, dưa chuột, mướp đắng, các loại rau ăn lá giá trị cao theo hướng VietGAP đã tại nên các vùng chuyên canh rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Theo đánh giá, sau thu hoạch, một nhà lưới sản xuất có thể cho lãi từ 120-160 triệu đồng/năm.

          Tại các vùng gò đồi, chủ yếu tại các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Trạch…, sau những cơn bão lớn vào các năm 2013, 2017 phần lớn diện tích cao su và rừng trồng của bà con bị gãy, đổ không thể hồi phục. Với đặc điểm vùng gò đồi đất nghèo dinh dưỡng và thiếu nước tưới, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã thiết kế và hỗ trợ thực hiện các mô hình chuyển đổi sang trồng cây dược liệu (gai leo, thìa canh, sâm Bố Chính…), mô hình trồng cây ăn quả có múi có ứng dụng tưới nước tiết kiệm công nghệ Israel. Các đối tượng cây trồng mới này sinh trưởng, phát triển tốt trên vùng gò đồi, bước đầu khẳng định được tính hiệu quả và phù hợp. Các cây trồng như cà gai leo, thìa canh… được thu mua chế biến thành các sản phẩm cao, trà và xây dựng thành các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao của tỉnh; hệ thống tưới tiết kiệm Israel được áp dụng trên cây tiêu, cây ăn quả đã giải quyết được nhu cầu về nước tưới trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của tỉnh, giúp tiết kiệm 50% lượng nước tưới, giảm 80-90% công tưới nước, năng suất cây trồng nhờ đó tang 20-30% so với phương pháp truyền thống; các vườn cây ăn quả có múi như cam, bưởi năng suất thu hoạch cao hơn năng suất đại trà 20%, chất lượng quả ngon, được thị trường ưa chuộng.

          Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Trung tâm đã triển khai nhiều mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện của địa phương, được bà con đánh giá cao, triển khai hiệu quả và có tính bền vững sau khi kết thúc mô hình. Đó là các mô hình nuôi vịt Đại Xuyên trên cạn thực hiện tại huyện Quảng Ninh, vịt sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đạt 93%, trọng lượng bình quân đạt 3,2-3,3kg/con, tỷ lệ xẻ thịt cao, chủ động thời gian nuôi quanh năm… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi truyền thống từ 10-15%. Mô hình chăn nuôi dê sinh sản được thực hiện quy mô 27 con/3 hộ và chăn nuôi bò sinh sản quy mô 5 con/5 hộ tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy bước đầu thay đổi được nhận thức của bà con dân tộc thiểu số từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh có quản lý, phòng bệnh… để nâng cao hiệu quả sản xuất. Mô hình chăn nuôi lợn bản sinh sản thực hiện năm 2022 tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa với quy mô 17 con/hộ tham gia không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp bà con nâng cao nhận thức, áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo quy trình chăm sóc và phòng chống dịch bệnh; hiện đàn lợn đang sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt từ 16-30kg/con.

          Trong lĩnh vực thủy sản, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư đã thực hiện mô hình chuyển đổi các giống thủy sản nuôi mới phù hợp với thực tế tại địa phương. Trên vùng đất lúa kém hiệu quả của các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và Bố Trạch, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư đã hướng dẫn bà con chuyển đổi nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Mô hình được thực hiện từ năm 2019 đến nay với diện tích nuôi trên 15ha, tôm nuôi phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 50%, trọng lượng bình quân đạt 25 con/kg, năng suất đạt trên 1,6 tấn/ha. Từ thực tiễn sản xuất, bà con các địa phương đã nhân rộng đối tượng nuôi này với diện tích trên 40ha, được đánh giá cao và xem đây là đối tượng nuôi mới nhằm thay thế các đối tượng nuôi truyền thống trước đây. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện mô hình nuôi xen ghép tôm sú-cá dìa-cua tại huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, TX Ba Đồn…; hay mô hình nuôi lươn trong bể không bùn với diện tích 20m2 giúp đa dạng hóa đối tượng nuôi, cải thiện được tình hình môi trường ao nuôi, hạn chế dịch bệnh, mang lại hiểu quả kinh tế đáng kể trên đơn vị diện tích cũng như thích ứng được với tình hình biến đổi khí hậu trong những năm gần đây.

          Có thể nói, các hoạt động sinh kế do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư thực hiện đã được thiết kế và triển khai một cách đa dạng, phù hợp với nhu cầu của bà con cũng như giúp bà con từng bước tham gia sản xuất một cách hiệu quả và bền vững. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong việc thực hiện hỗ trợ các mô hình sinh kế, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ sinh kế cho bà con tại các vùng chịu nhiều nguy cơ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh. Việc đa dạng hóa các mô hình sinh kế với nhiều đối tượng cây con, nhiều phương thức sản xuất mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương được xem là “chìa khóa” để người dân từng bước thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng.                                                                   

                     Mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản tại xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa thực hiện năm 2022            

Ngọc Lan

Các tin khác