Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp: Cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Trong những năm qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai nói chung và quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh ta đã được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn những hạn chế, bất cập, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng. 

 Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ta là 628.313,46 ha. Trong đó có 324.199,72 ha đất rừng sản xuất, 180.546,20 ha đất rừng phòng hộ, 123.567,54 ha đất rừng đặc dụng.

Hiện nay, việc sử dụng đất lâm nghiệp được giao cho các đối tượng cụ thể: hộ gia đình, cá nhân sử dụng 119.093,87 ha; tổ chức kinh tế sử dụng 127.339,92 ha; cơ quan đơn vị của nhà nước sử dụng 6.774,33 ha; số còn lại do tổ chức sự nghiệp công lập và các tổ chức khác sử dụng.

Bất cập trong quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp, dẫn đến tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch).
Bất cập trong quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp, dẫn đến tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch).

Nhìn chung, hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ta cơ bản phù hợp với kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng; các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng được nhà nước giao đất, giao rừng đều quản lý và sử dụng đúng mục đích; diện tích đất quy hoạch cho rừng sản xuất được điều chỉnh hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế huy động mọi nguồn lực để bảo vệ và phát triển rừng.

Đặc biệt trong những năm gần đây do nhu cầu về gỗ nguyên liệu trên thị trường tăng cao đã khuyến khích các hộ gia đình đầu tư vốn, nhân lực vào chăm sóc, bảo vệ rừng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế: việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức và các hộ dân vẫn còn chưa kịp thời; trong quá trình giao đất trồng rừng đã có sự chồng lấn giữa các doanh nghiệp, tổ chức, ban quản lý rừng và người dân dẫn tới một số vụ tranh chấp đất đai; việc bàn giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cơ bản mới chỉ tiến hành trên hồ sơ giấy tờ, chưa chú trọng việc cắm mốc giới cho chủ rừng ngoài thực địa, dẫn đến việc chồng chéo, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng xảy ra ở một số địa phương...

Nổi lên trong thời gian gần đây chính là vụ việc tranh chấp đất lâm nghiệp giữa Chi nhánh lâm trường Bố Trạch (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình) với một số hộ dân khu vực Ngọn Rào (xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch). Liên tiếp từ ngày 26 - 10 - 2015 đến nay, hàng chục người dân khu vực Ngọn Rào (thuộc thôn 8,9,10, xã Xuân Trạch) đã tự ý lấn chiếm đất rừng và cản trở việc trồng rừng theo kế hoạch của Chi nhánh lâm trường Bố Trạch.

Qua tìm hiểu thực tế, được biết: Xuân Trạch là xã miền núi đặc biệt khó khăn với trên 95% số hộ sản xuất nông nghiệp. Lợi thế duy nhất của địa phương là có diện tích đất tự nhiên lớn, trong đó diện tích đất rừng chiếm trên 80%. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lâm nghiệp đóng vai trò rất quan trọng và cũng là yếu tố để xã Xuân Trạch từng bước giảm nghèo bền vững.

Sống gần rừng, đời sống của nhân dân gắn bó với rừng nhưng trên thực tế số hộ dân được giao đất lâm nghiệp ở đây chiếm tỷ lệ khá thấp với 362/1.398 hộ có đất lâm nghiệp (bình quân 3,77 ha/hộ). Thực hiện chủ trương về việc rà soát nhu cầu sử dụng đất của các hộ dân sống gần rừng và thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về việc trả lời đơn khiếu nại đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân tại xã Xuân Trạch trước đây thực hiện Dự án 327, từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh đã thực hiện các thủ tục thu hồi đất của Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình đang sử dụng tại xã Xuân Trạch để giao cho UBND xã tiếp nhận, quản lý và xây dựng phương án, thủ tục đề nghị UBND huyện Bố Trạch quy hoạch khu tái định cư, giao đất cho các hộ dân ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Theo đó, tổng diện tích được thu hồi giao lại cho xã quản lý theo các quyết định là 1.014,8 ha.

Tuy nhiên trên thực tế, diện tích được giao cho UBND xã quản lý để giao cho người dân lại không phù hợp để sử dụng ổn định và lâu dài vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Trong số 1.014,8 ha đất được giao, có trên 500 ha đất lâm nghiệp có độ dốc lớn, xa khu dân cư, đầu nguồn nước..., chỉ có thể khoanh nuôi phục hồi tái sinh chứ không thể trồng rừng sản xuất. Cái khó nữa là số diện tích đất lâm nghiệp còn lại đang trong giai đoạn xây dựng phương án giao đất thì xảy ra tình trạng một số hộ dân tự ý lấn chiếm.

Lý giải về điều này, ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch chia sẻ: xã Xuân Trạch có trên 77% là hộ nghèo và cận nghèo. Toàn xã hiện có trên 15.502 ha đất lâm nghiệp thì trong số đó có đến 13.654 ha thuộc quyền sử dụng của Chi nhánh lâm trường Bố Trạch và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Chế biến sản phẩm từ gỗ rừng trồng.
Chế biến sản phẩm từ gỗ rừng trồng.

Thực tế, nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp của người dân địa phương nơi đây là rất lớn trong khi hiện nay trên địa bàn xã vẫn còn 1.036 hộ chưa có đất lâm nghiệp để sản xuất. Thời gian qua, mặc dù đã được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc giao đất cho các hộ dân ổn định đời sống nhưng do diện tích đất được giao chưa căn cứ rõ ràng trên cơ sở thực địa, người dân vẫn thiếu đất lâm nghiệp để sản xuất. Cũng vì lẽ đó mà tình trạng dân tranh chấp đất với lâm trường kéo dài từ nhiều năm nay. 

Thiết nghĩ, để công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ta thực sự hiệu quả, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, các ngành trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Quang Ánh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm: trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trong việc lập hồ sơ giao đất, thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện việc định giá rừng làm cơ sở để bàn giao vốn khi các chủ rừng bàn giao rừng về cho địa phương hoặc ngược lại; đôn đốc các chủ rừng thực hiện nghiêm túc việc cắm mốc ranh giới giữa các chủ rừng để công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp được chặt chẽ hơn...

Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư nhằm từng bước góp phần nâng cao năng lực của các cộng đồng sống gần rừng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, thu hút được sự tham gia của người dân trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn: Website Báo Quảng Bình

Các tin khác