Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Tăng cường phòng trừ sâu bệnh hại lúa Hè Thu

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Vụ hè-thu năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 15.609/16.000ha lúa. Hiện cây lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, lúa trà đầu giai đoạn ôm đòng - trổ, trà chính vụ làm đòng, trà muộn đẻ nhánh rộ. Thời tiết trong thời gian vừa qua trời nắng nóng và có mưa rải rác đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây lúa.

 Ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Quảng Ninh cho biết: Trên địa bàn huyện Quảng Ninh, các đối tượng dịch hại lúa có chiều hướng gia tăng như: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy lưng trắng, bọ trĩ, chuột. Diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ là 75ha, tập trung ở các địa phương như Lương Ninh, Vĩnh Ninh, Võ Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Tân Ninh,… Trên lúa trà muộn, những vùng phải gieo lại do ảnh hưởng của bão số 2 và những vùng tỉa dặm nhiều lần ở xã Võ Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh, Tân Ninh,… Bọ trĩ đang phát sinh gây hại với diện tích khoảng 120ha, mật độ phổ biến 300-500 con/m2, nơi cao 1500-2000 con/m2. Bọ trĩ phát sinh với mật độ cao, chích hút nhựa làm cho cây lúa chuyển màu vàng, sinh trưởng và phát triển kém. Ngoài ra, rầy lưng trắng phát sinh lứa mới với diện tích là 70ha, mật độ phổ biến 200 - 300 con/m2 , nơi cao 1000-1500 con/m2 , rầy tập trung chủ yếu trên trà gieo sớm ở các địa phương: Vĩnh Ninh, Lương Ninh, Võ Ninh, An Ninh, Vạn Ninh,…
Chuột cũng là mối lo ngại đối với sản xuất lúa hè thu, qua điều tra đồng ruộng, diện tích có chuột hoạt động trên địa bàn là 50 ha, tập trung ở các xã Vĩnh Ninh, Vạn Ninh, An Ninh, Tân Ninh,...
Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quảng Ninh đã kịp thời hướng dẫn biện pháp kỹ thuật cũng như các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ và đề nghị các địa phương khẩn trương chỉ đạo nông dân triển khai thực hiện có hiệu quả.
Tại huyện Lệ Thủy, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại trên 170ha lúa ở các xã Mai Thủy, Phú Thủy, Trường Thủy. Ngoài ra nhiều đối tượng khác đang gây hại trên đồng ruộng như chuột, ốc bươu vàng, sâu đục thân, bệnh khô vằn,...Trước tình hình này, Trung tâm DVNN huyện đã phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, nắm bắt mức độ gây hại để hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời.
Hiện tại ở nhiều địa phương, Phòng Nông nghiệp và PTNT và Trung tâm DVNN đang tích cực chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai công tác diệt chuột và phòng trừ sâu bệnh hại ở những nơi có mật độ sâu và tỷ lệ bệnh cao.
Qua kết quả thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tính đến ngày 15/7/2021, rầy lưng trắng đã phát sinh gây hại ở hầu hết các huyện, TX, TP. Diện tích nhiễm rầy là 129 ha, trong đó huyện Quảng Ninh 70ha, Quảng Trạch 20ha, Ba Đồn 12 ha, Bố Trạch 10ha, Minh Hóa 7ha, Tuyên Hóa 7ha, Đồng Hới 3ha. Mật độ rầy phổ biến 70-100 con/m2, nơi cao 500-700 con/m2, cục bộ 1.000-1.500 con/m2. Rầy lưng trắng ngoài gây hại trực tiếp chích hút nhựa làm cho cây lúa khô chết còn là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen gây thiệt hại lớn đến năng suất, sản lượng lúa Hè thu.
Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đã xuất hiện ở hầu hết các địa phương, diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ toàn tỉnh 294,5ha, mật độ phổ biến 5-7 con/m2, nơi cao 10-15 con/m2. Sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại vào giai đoạn lúa làm đòng - trổ sẽ hủy hoại bộ lá đòng làm giảm năng suất, sản lượng lúa Hè thu.
Ngoài ra, chuột hại với diện tích 237,5ha, bọ trĩ 120ha, bệnh khô vằn 22ha, sâu đục thân 5ha...
Trước tình hình sâu bệnh gia tăng gây hại, ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Để đảm bảo an toàn sản xuất, Chi cục đề nghị các địa phương kịp thời thông báo, chỉ đạo nông dân triển khai phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả.
Đối với rầy lưng trắng, sử dụng các thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Pymetrozine, Buprofezin,…
Đối với sâu cuốn lá nhỏ, sử dụng các thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Indoxacarb, Chlophenapyr, Nereistoxin, Emamectin benzoate,…
Bà con nông dân cần chú ý, sử dụng đúng lượng nước thuốc như hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất, phun phòng trừ kịp thời khi sâu, rầy tuổi còn nhỏ (tuổi 1-3). Các đối tượng sâu bệnh khác cũng thực hiện các biệp pháp kỹ thuật phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để đạt hiệu quả cao, hạn chế lây lan trên diện rộng.
Dự báo thời gian tới các đối tượng sâu bệnh tiếp tục phát sinh, gây hại trên diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa Hè thu. Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục khuyến cáo bà con nông dân cần bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh gây hại, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng trừ có hiệu quả, đảm bảo an toàn sản xuất lúa Hè thu.


Đặng Thảo
Chi cục Trồng trọt-BVTV

Các tin khác