Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Một số quy định mới trong quản lý an toàn thực phẩm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ về Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Ngày 02/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ). Nghị định được đánh giá là đã tạo cuộc “cách mạng” trong quản lý an toàn thực phẩm, thể hiện nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao độ của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cùng nhiều cơ quan liên quan trong việc cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của cơ sở đối với sản phẩm của mình sản xuất, kinh doanh để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Một số điểm mới nổi bật của Nghị định như sau:

 Thủ tục tự công bố sản phẩm và đăng ký bản công bố sản phẩm:
Nghị định quy định sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường với 2 hình thức là tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Các sản phẩm bắt buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm, bao gồm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.
Như vậy còn lại khoảng 95% sản phẩm thực phẩm không phải tiến hành các thủ tục hành chính mà được phép tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, bao gồm: thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc với thực phẩm. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm, trong đó sẽ mở rộng phạm vi, nâng cao mức xử phạt theo quy định pháp luật.
Mở rộng các đối tượng được miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP:
Các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Nghị định 15 bao gồm: cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; sản xuất kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; sơ chế nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; nhà hàng trong khách sạn; bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm; kinh doanh thức ăn đường phố; cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực. Như vậy, có 10 nhóm đối tượng được miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP so với 04 nhóm đối tượng như trước đây theo Nghị định 38. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.
Giảm đối tượng các thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo:
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi (không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật quảng cáo) phải được đăng ký và thẩm định nội dung quảng cáo sản phẩm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi quảng cáo. Như vậy, có đến 95% các sản phẩm thực phẩm không cần đăng ký nội dung quảng cáo trước khi quảng cáo như quy định trước đây.
Rõ ràng và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm:
Nghị định đã phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Công thương, Nông nghiệp và PTNT theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối. Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì sản phẩm có sản lượng lớn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào thì cơ quan đó quản lý. Đối với cơ sở kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên (trừ chợ đầu mối, đấu giá nông sản) do ngành Công thương quản lý. Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.
Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn cũng được quy định rõ hơn trong Nghị định lần này.
Ngoài ra còn có một số nội dung khác như: quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản xuất kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; ghi nhãn thực phẩm...


Ngô Thị Diệu
Chi cục QLCL Nông lâm sản và Thủy sản

Các tin khác