Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao trong tái cơ cấu nông nghiệp

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Trong bối cảnh hiện nay, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ đang được xem là khâu then chốt tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tại Quảng Bình, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tập trung chủ yếu trong các ngành trồng trọt, chăn nuôi… luôn được quan tâm và đạt được kết quả tích cực, góp phần nâng cao giá trị nông sản và phát triển nông nghiệp bền vững.

 Đóng vai trò hạt nhân tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp, HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang có trụ sở tại thôn 1 Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) đã đầu tư cơ sở vật chất gồm hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt và hướng dẫn kỹ thuật cho thành viên HTX trực tiếp sản xuất các loại dưa lưới, cà chua, rau màu… để cung cấp cho thị trường. Theo bà Dương Thị Vinh, một thành viên của HTX, nhờ sự hỗ trợ của HTX, từ đầu năm 2017, bà mạnh dạn sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ứng dụng công nghệ cao. Do được trồng trong nhà lưới, điều kiện chăm sóc tốt nên bà trồng được nhiều loại rau, quả trái vụ nhưng vẫn cho năng suất, chất lượng cao. Điều quan trọng là khi áp dụng quy trình VietGAP và sản xuất rau màu trong nhà lưới, các loại thuốc bảo vệ thực vật rất ít được sử dụng vì đã có hệ thống lưới bảo vệ tránh côn trùng xâm hại, nếu có sâu bệnh hại thì sử dụng thuốc thảo mộc để không gây hại cho sức khỏe con người. Theo kế hoạch, HTX sẽ tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất với các trang trại, gia trại tại xã Cam Thủy, Hồng Thủy và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất rau an toàn trong nhà lưới cho một số gia trại tại Hưng Thủy…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã có một số dự án chăn nuôi quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận và phê duyệt chủ trương đầu tư như Dự án nuôi bò thịt của Công ty Hòa Phát (996 tỷ đồng), Dự án chăn nuôi bò kết hợp trồng rừng của Công ty TNHHQB Milk (319 tỷ đồng); có 2 dự án FDI là Dự án Trại chăn nuôi lợn siêu nạc của Công ty Thái Lan với số vốn đầu tư 200 tỷ đồng tại huyện Quảng Ninh và có 2 dự án chăn nuôi bò Bình Hà-Phong Nha do Tập đoàn Dabaco đầu tư hiện đang tìm quỹ đất để triển khai thực hiện. Hiện tại, Dự án Chăn nuôi bò áp dụng công nghệ cao của Tập đoàn Hòa Phát đầu tư vào tỉnh Quảng Bình là dự án nông nghiệp công nghệ cao có quy mô lớn đầu tiên tại tỉnh, với số vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Đến nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chuồng trại, khu chế biến và dự trữ thức ăn đã hoàn thành giai đoạn 1, đảm bảo nuôi 10.000 bò/lứa theo kế hoạch, tiến độ đề ra, đồng thời Công ty cũng đã nhập lô giống bò úc đầu tiên với hơn 3.500 con. Dự án Chăn nuôi bò áp dụng công nghệ cao của Tập đoàn Hòa Phát đầu tư tại tỉnh ta ngoài việc tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương còn có vai trò quan trọng là thay đổi nhận thức của người dân về phát triển nuôi các giống bò có thể trạng lớn, chất lượng thịt cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, dần thay thế các giống bò địa phương.

Sản phẩm dưa lưới của HTX NN Công nghệ cao Kiến Giang (Lệ Thủy)


Đây chỉ là hai trong nhiều Dự án công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được thực hiện thời gian qua. Bên cạnh đó, xác định vai trò then chốt của khoa học kỹ thuật và công nghệ đối với phát triển nông nghiệp nông thôn, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, tăng cường tuyên truyền và tập trung các nguồn lực đẩy mạnh việc nghiên cứu, khảo nghiệm, thử nghiệm các giống cây trồng, mô hình sản xuất mới. Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là sản xuất thử nghiệm và đưa vào nhân rộng một số giống mới có năng suất, chất lượng cao.
Với mục tiêu ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ nhằm tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành, ngành Nông nghiệp đã xác định một trong những điểm nhấn chính là áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, những quy trình canh tác theo hướng sinh học, thân thiện với môi trường, mang tính bền vững cũng đã được nông dân các địa phương hồ hởi đón nhận và triển khai có hiệu quả, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh ta thời gian qua.


Ngọc Lan
(Trung tâm KN-KN)

 

Các tin khác