Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp – Những kết quả bước đầu

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Sau 3 năm (2014 - 2016) triển khai kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp, với nhiều giải pháp quan trọng được thực hiện đã từng bước làm khởi sắc bộ mặt ngành lâm nghiệp tỉnh nhà, nâng cao đời sống người dân miền núi, góp phần vào sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014 - 2020 trong lĩnh vực Lâm nghiệp đã được Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình cụ thể hóa bằng Kế hoạch triển khai thực hiện tại Quyết định số 734/QĐ-SNN ngày 21/11/2014. Qua 3 năm triển khai, được sự chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của tỉnh đã gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ.
Đến nay, Quảng Bình đã hoàn thành công tác kiểm kê rừng, đây là cơ sở dữ liệu để thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch như: Quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn đến năm 2020, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2008 - 2020 nhằm đáp ứng mục tiêu đảm bảo sự phù hợp trong cơ cấu và mục đích sử dụng của từng loại rừng. Tỉnh Quảng Bình đã thực hiện hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của tác Công ty nông lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó đã tập trung chú trọng đến việc rà soát, điều chỉnh lại quỹ đất, phương án sản xuất, kinh doanh của các Công ty trên nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời rà soát, bóc tách và chuyển một số diện tích về cho các địa phương để giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đảm bảo quỹ đất sản xuất cho người dân địa phương, đặc biệt là người dân vùng núi và đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm tất cả các diện tích đất lâm nghiệp đều có chủ và có cơ sở pháp lý vững chắc, lâu dài phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển, ổn định sản xuất lâm nghiệp.
Trồng rừng gỗ lớn là định hướng quan trọng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng, bước đầu đã quy hoạch 1.572 ha diện tích trồng rừng gỗ lớn (gồm cả diện tích chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn); công tác cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất được chú trọng, đến nay đã thực hiện cải tạo được 271,8 ha. Đã thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với rừng tự nhiên (gọi tắt là chứng chỉ FSC) cho Công ty TNHH MTV LCN Long Đại.
Diện tích trồng rừng của tỉnh tăng nhanh với sự đầu tư thâm canh cao của các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ đầu tư từ các chương trình, dự án như Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững, Dự án JICA2, Dự án Bảo vệ và PTR phòng hộ ven biển nam Quảng Bình,.... Bình quân hàng năm toàn tỉnh trồng hơn 5.000 ha rừng.
Công tác xúc tiến đầu tư các nhà máy chế biến gỗ tinh sâu được quan tâm chú trọng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xúc tiến Dự án đầu tư nhà máy điện năng lượng tái tạo của Tập đoàn Dohwa với công xuất 250MW cho giai đoạn 2017 - 2020 tại địa bàn huyện Lệ Thủy nhằm tận dụng những phế phẩm trong sản xuất nông lâm nghiệp, đây chính là cơ hội để nâng cao giá trị sử dụng rừng trồng trong giai đoạn hiện nay.
Đề án quy hoạch nguồn giống cây trồng lâm nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu đảm bảo nguồn giống có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ được đưa vào trồng rừng đã được triển khai thực hiện, bước đầu đã hỗ trợ 1,5 ha nguồn giống Vườn cung cấp hom keo lai và 02 vườn ươm cây giống lâm nghiệp để sản xuất giống phục vụ nhu cầu trồng rừng. Đặc biệt đã ban hành Phương án quản lý sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, cho thấy sự quyết tâm trong công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, đảm bảo giống đưa vào trồng rừng là giống có chất lượng, năng suất cao.
Giống tiến bộ kỹ thuật được sử dụng đưa vào trồng rừng ngày càng được chú trọng. Năm 2015, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ trồng thử nghiệm 16 ha Keo lai mô tại Công ty TNHH MTV LCN Long Đại, năm 2016 đã hỗ trợ hơn 150.000 cây giống Keo lai nuôi cấy mô cho người dân sử dụng trồng rừng để làm mô hình tham quan học tập cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng giống có chất lượng cao để trồng rừng sản xuất. Ngoài ra, đã triển khai trồng thử nghiệm một số dòng keo lai mới với diện tích 02 ha trên một số lập địa nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển làm cơ sở nhân rộng, khuyến cáo người dân đưa vào sử dụng trồng đại trà.
Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh cũng đang xúc tiến đầu tư các dự án sản xuất cây giống; hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng 02 nhà nuôi cấy mô và vườn ươm sản xuất cây keo lai nuôi cấy mô với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng, công suất đạt 7 triệu cây/năm. Đây sẽ là bước đột phá lớn trong công tác sản xuất giống chất lượng cao phục vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh.
Với những kết quả đã đạt được, có thể thấy việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tỉnh nhà đang đi đúng định hướng, phù hợp với mục tiêu ban đầu đề ra. Để đạt được những thành quả quan trọng này, không thể thiếu được sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, sự quan tâm của các ban, ngành trong tỉnh cùng với sự đồng lòng, đồng sức của các tổ chức chính trị - xã hội.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Bình sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu vẫn còn đang có nhiều khó khăn cần phải khắc phục. Diện tích trồng rừng gỗ lớn vẫn còn chiếm tỉ lệ thấp so với quỹ đất hiện có quy hoạch cho lâm nghiệp của tỉnh; tiến độ cải tạo rừng còn chậm; sử dụng giống năng suất cao cho trồng rừng vẫn chiếm tỉ lệ thấp, giống không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vẫn chưa kiểm soát triệt để mà nguyên nhân là do nhận thức của người dân trong việc sản xuất, sử dụng giống có chất lượng để trồng rừng còn hạn chế. Sản xuất lâm nghiệp chưa xứng tầm và tiềm năng hiện có, tổ chức sản xuất lâm nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được vùng nguyên liệu tập trung quy mô gắn với thâm canh nâng cao sản lượng và giá trị; công nghiệp chế biến còn hạn chế, chưa tạo được động lực phát triển sản xuất và tham gia sâu vào chuỗi giá trị; chính sách lâm nghiệp, đặc biệt là cơ chế hưởng lợi, cơ chế vốn khuyến khích đầu tư, cơ chế quản lý còn nhiều hạn chế, chưa tạo được cú hích cho phát triển lâm nghiệp.


Trước những khó khăn, thách thức mà chúng ta đang gặp phải. Trong thời gian tới, cần tập trung quản lý, tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch trong lĩnh vực lâm nghiệp, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ tinh sâu nhằm nâng cao giá trị gỗ rừng trồng qua chế biến; xây dựng các mô hình liên kết trồng rừng gắn với chế biến gỗ nhằm nâng cao giá trị gia tăng của gỗ rừng trồng. Tăng cường công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp nhằm đảm bảo giống sử dụng cho trồng rừng phải có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; chủ động rà soát, xây dựng đường băng cản lửa; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng của cấp huyện, cấp xã, các công ty lâm nghiệp và các chủ rừng; Huy động và tổ chức lực lượng vật tư, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi xảy ra cháy rừng...Khác với sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp có những yếu tố đặc thù, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch trong lâm nghiệp đòi hỏi cần nhiều thời gian để đánh giá tính hiệu quả. Đối với cây lâm nghiệp là loài cây có chu kỳ kinh doanh dài, ít nhất phải 5 - 6 năm và cũng có thể kéo dài đến vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm, chưa kể đến các nguy cơ do bão lụt, hạn hán và các yếu tố cực đoan khác của thời tiết. Do vậy, việc đánh giá một cách đầy đủ kết quả sản xuất lâm nghiệp trong một thời gian ngắn là chưa thực sự toàn diện. Tuy nhiên, chúng ta có thể hi vọng rằng, với những giải pháp đã đề ra, cùng với những nỗ lực của các cấp, các ngành và tranh thủ mọi nguồn lực trong xã hội, tin rằng trong tương lai không xa, ngành lâm nghiệp tỉnh nhà sẽ tiếp tục khởi khắc, gặt hái được nhiều thành công to lớn.

Chi cục Kiểm lâm

 

Các tin khác