Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tại một số địa phương ở tỉnh Quảng Bình, nhiều diện tích trồng lúa bị thiếu nước dẫn đến chất lượng sản xuất kém hiệu quả đã được bà con chuyển đổi sang các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần.

Hàng năm Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương rà soát diện tích đất lúa kém hiệu quả để xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng khác. Năm 2023, toàn tỉnh có kế hoạch chuyển đổi trên đất lúa diện tích 130 ha; trong đó, chuyển đổi sang cây trồng cạn 119 ha (dưa hấu 36 ha; lạc 29 ha; ngô 21 ha; rau 17 ha; đậu đỗ 5,6 ha; sen 5,4 ha; khoai lang 3 ha…), chuyển đổi sang mô hình lúa-cá 11 ha. Nhìn chung, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã mang lại hiệu quả cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, giảm được áp lực nước tưới trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường... Các cây trồng chuyển đổi cho lãi ròng trên 20 triệu đồng/ha/vụ, có một số mô hình lãi đến 140 triệu đồng/ha/vụ, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn từ 2-6 lần so với sản xuất lúa. Trong đó cao nhất dưa hấu, dưa lê từ 100-140 triệu đồng/ha/năm, gấp 5-6 lần so với trồng lúa; rau các loại cho lợi nhuận 80-100 triệu đồng, gấp 3-4 lần trồng lúa... Các đối tượng thủy sản được nuôi kết hợp trong ruộng lúa gồm cá lóc, cá chép, cá mè, cá rô phi, cá diếc, tôm đất...; sau 4-5 tháng nuôi năng suất bình quân các loại cá đạt 1-1,4 tấn/ha, tôm đạt 0,5-0,6 tấn/ha. Tổng thu nhập của mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản đạt từ 60-100 triệu đồng/ha/năm, trong khi chi phí cho sản xuất lúa giảm đi từ 10-15% so với không thả cá.

Tuy nhiên, diện tích thực hiện chuyển đổi còn manh mún, nhỏ lẻ khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ để tạo ra sản phẩm hàng hóa nên chưa thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản. Mặt khác, các công trình thủy lợi được thiết kế xây dựng trồng lúa, chưa đáp ứng cho được nhu cầu tiêu thoát nước cho cây trồng cạn, do vậy diện tích chuyển đổi dễ bị ngập úng, thoát nước không kịp khi mưa to. Thị trường tiêu thụ, giá cả sản phẩm cây trồng chuyển đổi không ổn định, đầu ra sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất chưa chủ động trong khi giá cả vật tư tăng cao nên người dân chưa yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đầu tư thâm canh các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Kinh phí hỗ trợ chuyển đổi còn thấp so với chi phí đầu tư sản xuất (3 triệu/ha), trong khi đó quy mô diện tích thực hiện của hộ dân manh mún, nhỏ lẻ, quy trình triển khai và hồ sơ thủ tục phức tạp nên người dân chưa mặn mà thực hiện chuyển đổi.

Để tháo gỡ những khó khăn này, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cho các địa phương và người sản xuất về kế hoạch thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật một số cây trồng chuyển đổi trên đất lúa, phổ biến các mô hình hiệu quả để người sản xuất áp dụng nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập từ chuyển đổi; tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người sản xuất; tiếp tục lựa chọn cây trồng phù hợp cho từng mục đích sử dụng, từng chân đất, áp dụng quy trình thâm canh có tưới ở những ruộng có điều kiện; đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn; tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong thu mua, chế biến sản phẩm cây trồng chuyển đổi theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản mới và nâng cấp các cơ sở hiện có trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm đầu ra...

Nhiều hộ dân xã An Thủy, huyện Lệ Thủy chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen

                                                                                                Như Hà

                                                                                         Chi cục TT-BVTV

Các tin khác