Bài viết tạm thời không có.
Thủy lợi
Danh mục không tiêu đề - trái
Quy hoạch - Kế hoạch

Tình hình xử lý vi phạm phạm vi công trình thủy lợi

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tỉnh Quảng Bình có 664 công trình với 150 hồ chứa các loại, 215 đập dâng, 299 trạm bơm và gần 2.300 km kênh mương. Hệ thống công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và phòng chống thiên tai. Tuy nhiên thực tế hiện nay tình trạng vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi xảy ra khá nghiêm trọng, phổ biến, thậm chí nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ngang nhiên sử dụng phạm vi công trình các hồ, đập vào mục đích riêng; làm nhà, xây dựng công trình kiên cố trên các tuyến kênh tưới một cách trái phép; tự tổ chức đắp chặn, khoanh bờ bao trên các trục tiêu, thoát lũ đề nuôi trồng thủy sản…

 Qua kiểm tra thực tế cho thấy đa số các hồ chứa đều bị một số tổ chức, cá nhân lấn chiếm, sử dụng phạm vi bảo vệ công trình vào các mục đích riêng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng đất thuộc phạm vi bảo vệ và vùng phụ cận công trình đầu mối, đường cứu hộ, hành lang bảo vệ kênh mương để trồng cây lâu năm, xây dựng công trình nuôi trồng thủy sản, dựng kho, lán, nhà bán kiên cố đến kiên cố... Nhiều tuyến kênh tưới bị xâm phạm nghiêm trọng, thậm chí có nơi còn xây dựng các công trình kiên cố như: cổng, hàng rào, cầu, đường vào nhà trong phạm vi các tuyến kênh. Điển hình như kênh Nam hồ Vực Tròn khu vực xã Quảng Hưng, Quảng Xuân, Quảng Thọ huyện Quảng Trạch; kênh Đá Mài khu vực thị trấn Hoàn Lão; kênh hồ Vực Nồi khu vực xã Vạn Trạch; hồ Cửa Nghè, Vực Sanh khu vực xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch; kênh Rào Đá khu vực xã An Ninh và xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh. Ngoài việc người dân tự ý lấn chiếm thì chính quyền các địa phương còn tiếp tay dẫn đến các sai phạm trong việc cấp quyền sử dụng đất trong phạm vi lòng hồ cho dân trồng cây như hồ Tiên Lang xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch và hồ An Mã, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy… Một số hồ chứa có biểu hiện khai thác trái phép vật liệu đất, đá trong khu vực lòng hồ.
Những hành vi lấn chiếm, vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi xảy ra không những đối với các công trình do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý mà hầu hết diễn ra hầu hết đối với các công trình do địa phương quản lý, mức độ vi phạm có tính chất nghiêm trọng hơn. Qua kiểm tra, thanh tra cho thấy công trình hồ Đồng Sơn phục vụ tưới cho phường Bắc Nghĩa (TP Đồng Hới) do phường Bắc Nghĩa quản lý nhưng hồ chứa và hệ thống kênh mương chính lại nằm trên địa phận phường Đồng Sơn nên tình trạng xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do đó đã xuất hiện tình trạng các tổ chức và hộ dân lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa nước, kênh mương dẫn nước để xây dựng lều, quán, các công trình dân sinh, xả thải vào các công trình kênh mương... khá phổ biến. Chẳng hạn dọc tuyến kênh chính của hồ Đồng Sơn đi qua địa phận Tổ dân phố 3 và 7 phường Đồng Sơn có 30 quán tạm, 03 hàng rào xây, 23 sân có mái che kiên cố xây dựng ngay trên tuyến kênh vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Cũng theo báo cáo của địa phương, thời gian qua còn có hiện tượng lấn chiếm khu vực lòng hồ của Trại giam Đồng Sơn để xây dựng các công trình kiên cố và bán kiên cố.
Việc lấn chiếm, sử dụng phạm vi bảo vệ nhiều công trình ngoài việc làm tăng kinh phí đầu tư do phải giải quyết công tác bồi thường, GPMB khi đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình mà còn là nguy cơ làm mất an toàn công trình do các hành vi trồng cây, đào ao nuôi trồng thủy sản, làm các công trình bán kiên cố trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Một thực trạng phổ biến hiện nay là việc sử dụng phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để làm nơi đổ thải các loại phế thải, rác thải; sử dụng lòng kênh tưới, kênh tiêu để đổ thải bừa bãi, tùy tiện gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn các tuyến kênh. Trong đó phải kể đến hệ thống kênh tưới Rào Nan, Đá Mài, Nam Vực Tròn, Rào Đá. Nhiều tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã sử dụng trái phép phạm vi công trình thủy lợi để tập kết các loại vật liệu như: đá, cát, sỏi xây dựng.
Tuy các hành vi vi phạm pháp luật đối với công trình thủy lợi xảy ra nhiều nhưng việc triển khai xử lý, xử phạt vẫn còn rất hạn chế. Hàng năm các địa phương vẫn triển khai kiểm tra, báo cáo về UBND tỉnh tình hình vi phạm và đề xuất xử lý nhưng tình trạng vi phạm của các đối tượng vẫn dây dưa, không xử lý được dẫn đến đi vào quên lãng và hành vi vi phạm ngày càng gia tăng. Trong tháng 4-2020, UBND huyện Quảng Ninh đã tổ chức lực lượng cưỡng chế hành vi vi phạm của Công ty Xây dựng tổng hợp Lương Ninh và 01 cá nhân, thu giữ một số máy móc hoạt động và buộc nộp phạt 50 triệu đồng. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong việc xử lý, chấn chỉnh có tính răn đe hành vi vi phạm trên địa bàn huyện Quảng Ninh.
Hiện nay Chi cục Thủy lợi đang tiến hành rà soát phân cấp quản lý các công tình thủy lợi cùng với tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Việc cắm mốc phạm vi bảo vệ và vùng phụ cận cùng với các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi sẽ là thước đo và công cụ để xử lý các hành vi, tình huống vi phạm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.


Nguyễn Thành Long
Chi cục Thủy lợi

Các tin khác